Viêm gan C là một bệnh phổ biến tại Việt Nam, gây ra bởi virus HCV. Viêm gan C mạn tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Thế nhưng phần lớn các trường hợp viêm gan C không có triệu chứng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin mà bạn cần biết về viêm gan C.
Virus viêm gan C (HCV) gây bệnh viêm gan C
1. Bệnh viêm gan C là gì?
Viêm gan C là tình trạng nhiễm trùng gan, gây ra bởi virus viêm gan C (tên Tiếng Anh: Hepatis C virus, viết tắt: HCV).
HCV có cấu trúc di truyền sợi đơn RNA, thuộc họ Flaviviridae. HCV có 7 kiểu gen và 67 kiểu phụ đã được xác định. Trong đó, kiểu gen 1 và 6 là 2 kiểu gen thường gặp nhất tại Việt Nam. Virus HCV gây ra bệnh viêm gan C cấp tính và mạn tính.
Viêm gan C cấp tính thường không có triệu chứng, khoảng 15-45% trường hợp nhiễm virus có thể tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm virus mà không cần điều trị gì. Số còn lại có thể diễn tiến thành viêm gan C mạn tính. Nguy cơ xơ gan do viêm gan C mạn tính là 15-30% trong vòng 20 năm.
Theo ước tính của WHO về bệnh viêm gan C trên toàn cầu:
- Có khoảng 58 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mạn tính.
- Có khoảng 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.
- Số thanh thiếu niên và trẻ em bị nhiễm viêm gan C mạn tính là 3,2 triệu ca.
- Vào năm 2019 có khoảng 290.000 trường hợp tử vong vì viêm gan C, chủ yếu do xơ gan và ung thư gan nguyên phát.
- Thuốc kháng virus có thể chữa khỏi hơn 95% số người bị nhiễm viêm gan C, thế nhưng số người được chẩn đoán và điều trị còn thấp.
Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á – Tây Thái Bình Dương, một khu vực có số người nhiễm HCV rất cao. Khu vực này có khoảng 10 triệu người bị HCV mạn tính.
Virus viêm gan C (HCV) gây bệnh viêm gan C
2. Bệnh viêm gan C có lây không?
HCV có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
Lây qua đường máu khi dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, truyền máu bị nhiễm virus hay sử dụng các thiết bị y tế không được tiệt trùng kỹ. Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay với người nhiễm HCV cũng có khả năng lây nhiễm khi các vật dụng này bị dính máu. HCV cũng có thể lây qua dụng cụ xăm và xỏ khuyên nếu các dụng cụ này không được làm sạch.
HCV có thể lây truyền từ mẹ sang con. HCV cũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục có tiếp xúc máu, thường gặp hơn ở những người quan hệ tình dục đồng giới nam. Hai cách lây truyền này ít phổ biến hơn so với lây qua đường máu.
Virus HCV không lây qua sữa mẹ, thức ăn hay nước uống. HCV cũng không lây khi ôm, bắt tay hay hôn người bị bệnh.
3. Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh viêm gan C?
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus HCV, nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Người nhiễm HIV.
- Sử dụng ma túy qua đường tiêm chích.
- Sử dụng thuốc hoặc dung dịch tiêm tĩnh mạch.
- Chạy thận nhân tạo.
- Truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng.
- Nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm).
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HCV.
- Quan hệ tình dục với người bị viêm gan C.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Dùng chung vật dụng cá nhân bị dính máu nhiễm virus, ví dụ như dao cạo râu hay bàn chải đánh răng.
- Đi xăm, xỏ khuyên hoặc khám răng ở những cơ sở kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.
4. Triệu chứng của bệnh viêm gan C là gì?
Viêm gan C có thể gây đau tức nhẹ hạ sườn phải
Sau khi nhiễm bệnh, gần 80% các trường hợp không có biểu hiện. Ở những người có triệu chứng thường bắt đầu vào 2-12 tuần sau khi nhiễm virus. Một số triệu chứng thường gặp là:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Buồn nôn, nôn
- Đau bụng
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân nhạt màu
- Đau khớp
- Vàng da, vàng mắt
Những người bị viêm gan C mãn tính thường không có triệu chứng và không biết bản thân bị bệnh. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau đó rất nhiều năm và thường là dấu hiệu của bệnh gan tiến triển. Một số triệu chứng đôi khi xuất hiện là:
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Đầy bụng
- Đau nhẹ hạ sườn phải
- Rối loạn tiêu hóa
- Đau cơ
Một số triệu chứng khác ngoài gan như:
- Đau khớp
- Viêm khớp
- Viêm da
- Tóc dễ gãy rụng
- Cryoglobulinemia (globulin lạnh trong máu)
- Đau cơ
- Bệnh cơ tim
- Viêm cầu thận tăng sinh màng…
5. Bệnh viêm gan C được chẩn đoán bằng cách nào?
Xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan C
Viêm gan C thường không có triệu chứng vì vậy mà ít người được chẩn đoán khi mới bị nhiễm bệnh. Phần lớn các trường hợp được phát hiện khi sàng lọc hiến máu, xét nghiệm máu trong kỳ khám sức khỏe định kỳ hoặc xét nghiệm vì một nguyên nhân khác.
Thực tế, có thể chẩn đoán viêm gan C dễ dàng bằng xét nghiệm máu. Xét nghiệm đầu tiên được sử dụng để xác định nhiễm viêm gan C là xét nghiệm Anti-HCV. Anti-HCV dương tính cho thấy một người đã hoặc đang nhiễm HCV, cần làm thêm xét nghiệm HCV RNA hoặc HCVcAg để khẳng định.
Anti-HCV âm tính có nghĩa là không nhiễm HCV. Nhưng một người bị viêm gan C vẫn có thể có kết quả Anti-HCV âm tính trong trường hợp:
- Viêm gan C cấp tính trong vài tuần đầu.
- HCV ở người suy giảm miễn dịch nặng như người nhiễm HIV, chạy thận nhân tạo, điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch.
Khi đó cần làm xét nghiệm HCV RNA hoặc HCVcAg để khẳng định. HCV RNA là xét nghiệm rất quan trọng để xác định nhiễm trùng mạn tính và nhu cầu điều trị. HCV RNA cho kết quả dương tính hoặc tải lượng virus trên ngưỡng phát hiện thì khẳng định nhiễm HCV.
Người được chẩn đoán HCV mạn tính, cần làm thêm các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ viêm gan, xơ hóa gan, xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan. Các cận lâm sàng có thể được thực hiện là:
- Công thức máu.
- Chức năng gan: ALT, AST GGT, Albumin, Bilirubin.
- Thời gian Prothrombin.
- Chất chỉ điểm khối u AFP, PIVKA-II.
- Chẩn đoán hình ảnh.
- Sinh thiết tế bào gan.
Mức độ tổn thương gan sẽ quyết định hướng điều trị và theo dõi bệnh.
6. Các phương pháp điều trị viêm gan C
Điều trị viêm gan C cấp tính bao gồm điều trị kháng virus, điều trị triệu chứng kết hợp với nghỉ ngơi nhiều. Khoảng 15-45% người bệnh nhiễm HCV cấp tính có thể tự khỏi. Ở tuần thứ 12 sau khi điều trị, người bệnh cần thực hiện lại xét nghiệm HCV RNA để đánh giá khả năng khỏi bệnh.
Viêm gan C mạn tính cần được điều trị sớm, đặc biệt là các trường hợp xơ hóa gan, có biểu hiện ngoài gan, đồng nhiễm HIV, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nhu cầu có con. Phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính phụ thuộc vào loại virus HCV, mức độ tổn thương gan và các bệnh lý hiện có.
Điều trị viêm gan C mạn tính nhằm mục đích chữa khỏi bệnh, loại trừ virus ra khỏi cơ thể để đạt được đáp ứng virus bền vững, phòng ngừa các biến chứng và dự phòng lây nhiễm HCV trong cộng đồng.
Nhiễm virus viêm gan C không tạo ra kháng thể cả đời, vì vậy một người có thể bị viêm gan C nhiều lần. Người bị viêm gan C mạn tính cần tuân thủ điều trị, tránh đồ uống có cồn và có kế hoạch dự phòng tái nhiễm HCV sau khi khỏi bệnh.
7. Viêm gan C có thể gây ra biến chứng gì?
Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân để phòng ngừa viêm gan C
Viêm gan C là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Viêm gan mạn tính
- Xơ hóa gan
- Xơ gan
- Suy gan
- Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC)
- Biểu hiện ngoài gan nặng
- Tử vong
Nam giới trên 50 tuổi, uống rượu bia, bị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan B, đồng nhiễm HIV hoặc đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao tiến triển thành xơ gan sau khi nhiễm HCV.
8. Biện pháp phòng ngừa viêm gan C
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C, vì vậy cách duy nhất để phòng ngừa là tránh lây nhiễm virus HCV.
- Không sử dụng chung kim tiêm.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Tránh tiếp xúc với máu.
- Xử lý thiết bị, dụng cụ y tế đúng cách.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu.
- Thận trọng khi xăm và xỏ khuyên.
- Hạn chế du lịch đến khu vực lưu hành virus HCV.
Khuyến nghị: Tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm Anti-HCV để tầm soát viêm gan C. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và người có yếu tố nguy cơ nhiễm HCV cũng nên làm xét nghiệm này. Ở người có yếu tố nguy cơ cần kiểm tra HCV định kỳ miễn là vẫn còn các yếu tố nguy cơ.
Tóm lại, vêm gan C mạn tính là một yếu tố nguy cơ cao gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Hiện nay, vẫn chưa có vaccine hiệu quả để phòng ngừa virus viêm gan C. Vì vậy, việc tầm soát để phát hiện sớm nhiễm virus là rất quan trọng để tăng cơ hội được điều trị và hạn chế tối đa các biến chứng.
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan virus C của Bộ Y tế (2065/QĐ-BYT ngày 29/4/2021)
- https://www.cdc.gov/hepatitis/hcv/
- WHO