Test hơi thở C13 là xét nghiệm đơn giản cho phép xử trí hơi thở để phát hiện nhiễm khuẩn Helocobacter pylori. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị diệt HP bằng kháng sinh. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cần biết về xét nghiệm này.
Test hơi thở C13 phát hiện nhiễm khuẩn HP gây bệnh dạ dày
1. Test hơi thở C13 là gì?
Helocobacter pylori (viết tắt: H.pylori, HP) là vi khuẩn thường sống trong dạ dày, ít khi gây ra triệu chứng. Nhưng theo thời gian, vi khuẩn HP khiến dạ dày bị tổn thương, gây viêm loét dạ dày tá tràng, viêm teo dạ dày, u lympho MALT và ung thư dạ dày. Hơn 80% trường hợp loét dạ dày là do HP gây ra.
Test hơi thở C13 là xét nghiệm urea qua hơi thở (UBT). H.pylori trong dạ dày sản xuất ra urease, một loại enzyme có thể phá vỡ urea. Trong quá trình thủy phân urea, nó tạo ra amoniac và carbon dioxide (CO2). CO2 khuếch tán vào máu, bài tiết qua phổi và có thể được phát hiện trong hơi thở.
Test hơi thở C13 là một trong bốn cách chẩn đoán nhiễm HP phổ biến bên cạnh xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và nội soi. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng. Trong đó, test hơi thở C13 được xem là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán nhiễm khuẩn HP trong phòng thí nghiệm với độ nhạy 95% và độ đặc hiệu 96%.
2. Khi nào cần làm xét nghiệm test hơi thở C13?
Chỉ định chính của xét nghiệm C13 là theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị diệt HP.
Ngoài ra, xét nghiệm này cũng được sử dụng để chẩn đoán nhiễm HP ban đầu ở những người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm HP, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi không có chỉ định nội soi dạ dày.
Test hơi thở C13 an toàn cho người lớn tuổi
3. Ai có thể làm xét nghiệm test hơi thở C13
Test hơi thở C13 là một xét nghiệm nhanh chóng, không đau, không xâm lấn và đáng tin cậy.
Đồng vị 13C không phóng xạ và vô hại, có thể được sử dụng cho bất kỳ đối tượng nào để chẩn đoán H.pylori. Nó an toàn cho trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và cả người cao tuổi.
Xét nghiệm này có thể được lặp lại thường xuyên ở một người.
4. Cách thực hiện xét nghiệm test hơi thở C13
a. Chuẩn bị trước khi làm test hơi thở C13
Trước khi làm xét nghiệm, người bệnh cần:
- Không ăn uống trước khi thực hiện test ít nhất 4-6 tiếng đồng hồ.
- Dừng thuốc kháng sinh ít nhất 4 tuần.
- Dừng thuốc ức chế proton PPI ít nhất 1 tuần. Vd: Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol, Esomeprazol…
- Dừng thuốc Sucralfate ít nhất 2 tuần.
Dừng thuốc kháng sinh và các loại thuốc kháng tiết acid là bắt buộc trước khi thực hiện xét nghiệm test C13, vì các loại thuốc này có thể làm sai kết quả xét nghiệm, mà cụ thể là cho ra kết quả âm tính giả.
Ngoài ra, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các bệnh lý đang mắc phải, tiền sử dị ứng thuốc hoặc đang có thai.
Test C13 phát hiện nhiễm khuẩn HP qua hơi thở
b. Trong khi thực hiện test hơi thở C13
Các bước thực hiện xét nghiệm diễn ra như sau:
- Đầu tiên, bệnh nhân thở vào túi đựng mẫu: Ngậm túi lấy mẫu, hít vào bằng mũi và giữ hơi thở trong 5-10 giây rồi thở từ từ vào túi lấy mẫu. Hơi thở này phải ra từ phổi.
- Tiếp theo, bệnh nhân uống dung dịch có chứa urea gắn đồng vị phóng xạ 13C.
- Sau khi uống urea, bệnh nhân ngồi đợi trong 15 phút.
- Sau đó, nhân viên y tế cung cấp một túi đựng mẫu thứ 2: Bệnh nhân thở lần nữa vào túi đựng mẫu.
- Hai túi đựng mẫu hơi thở trước và sau khi uống urea sẽ được mang đi phân tích bằng máy quang phổ kế.
c. Sau khi thực hiện test hơi thở C13
Kết quả sẽ có sau khoảng 15-30 phút. Bệnh nhân gặp bác sĩ để được đọc kết quả và tư vấn.
Sau khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân có thể hoạt động và ăn uống bình thường (trừ khi có chỉ định khác).
5. Kết quả xét nghiệm test hơi thở C13 có ý nghĩa gì?
Trong chẩn đoán HP, kết quả test hơi thở C13 âm tính tức là không nhiễm HP. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ kê toa một đợt kháng sinh để điều trị HP. Sau đó, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tái khám khi đã hoàn tất liệu trình điều trị để kiểm tra hiệu quả diệt HP.
Trong kiểm tra hiệu quả điều trị HP, kết quả test âm tính tức là đã diệt được HP. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ kê toa thuốc tiếp tục điều trị hoặc chỉ định xét nghiệm bổ sung tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng gợi ý nhiễm H.pylori nhưng kết quả âm tính, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện lại hoặc sử dụng một phương pháp thay thế để chẩn đoán.
Đôi khi, kết quả có thể dương tính giả nếu men urease kết hợp với xoắn khuẩn dạ dày khác như Helicobacter Heilmann, hoặc ở bệnh nhân mắc chứng achlohydria (dạ dày sản xuất ít hoặc không sản xuất acid).
Một nhược điểm của xét nghiệm C13 là chỉ đánh giá được lượng vi khuẩn HP đang hoạt động có thể gây tổn thương dạ dày. Nhưng xét nghiệm này không thể thay thế được cho nội soi. Chỉ có nội soi dạ dày mới quan sát và đánh giá được chính xác các tổn thương và bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày tá trạng, viêm teo dạ dày, polyp hoặc ung thư.
H.pylori là nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày
6. Xét nghiệm test hơi thở C13 và C14 có gì khác nhau?
Ure có thể được đánh dấu bằng hai đồng vị carbon khác nhau: 14 C và 13 C.
- C13: Ổn định, không phóng xạ.
- C14: Không ổn định, có phóng xạ. Tuy nhiện, lượng phóng xạ này thấp, bằng 1/300 tổng lượng phóng xạ một người nhận được từ môi trường trong 1 năm.
Cả hai xét nghiệm này không xâm lấn, đều cho thấy tính hiệu quả để chẩn đoán HP. So với test hơi thở C14 thì test hơi thở C13 là phương pháp hiện đại hơn, an toàn hơn, dễ dàng trong vận chuyển, có thể phân tích từ xa. Nhược điểm duy nhất của test C13 là có giá thành cao hơn test C14 vì yêu cầu thiết bị phức tạp hơn.