1. Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là bệnh lý xuất phát từ các tế bào dạ dày phân chia và tăng sinh bất thường một cách không kiểm soát tạo thành khối u, sau đó xâm lấn các mô xung quanh và mô ở xa (di căn), gây đau đớn và đe dọa tính mạng cho người bệnh. Ung thư dạ dày đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới. Tầm soát ung thư dạ dày giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm.
Ung thư dạ dày là loại ung thư rất phổ biến
2. Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày;
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày bao gồm nhiễm khuẩn, môi trường sống và chế độ ăn uống, yếu tố di truyền, bệnh lý dạ dày. Cụ thể là:
- Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Tình trạng nhiễm trùng H.pylori gây viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc và dị sản ruột, loạn sản và cuối cùng là ung thư. Nhiễm H.pylori làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp 6 lần.
- Chế độ ăn nhiều muối, thực phẩm ngâm chua, nhiều thực phẩm đã qua chế biến, đặc biệt là thực phẩm hun khói.
- Người nghiện thuốc lá, rượu bia. Những người thường xuyên sử dụng thuốc lá, uống rượu bia có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn những người khác.
- Các bệnh tại dạ dày như: viêm loét dạ dày tá tràng, polyp dạ dày…
- Tiền sử người thân bị ung thư dạ dày.
- Một số yếu tố khác: người béo phì, nhiễm xạ,…
3. Tạo sao nên thực hiện tầm soát ung thư dạ dày?
Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư
Theo số liệu của GLOBOCAN (WHO), năm 2020 trên thế giới có 768.700 ca tử vong vì ung thư dạ dạy. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 3 sau ung thư gan và ung thư phổi. Trong năm 2020, Việt Nam có thêm khoảng 17.900 trường mắc ung thư mới và 14.600 ca tử vong vì ung thư dạ dày.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, 75% bệnh nhân khi đến khám ung thư dạ dày đã vào giai đoạn cuối, gần như không thể điều trị. Các trường hợp phát hiện ở giai đoạn sớm thường là do tình cờ khám phát hiện bệnh.
Thực tế, ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, tầm soát ung thư dạ dày định kỳ rất quan trọng để phát hiện bệnh sớm, tăng hiệu quả điều trị khi khối u còn đang khu trú.
4. Ai nên thực hiện tầm soát ung thư dạ dày?
Độ tuổi mắc ung thư dạ dày tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ người dưới 40 tuổi bị ung thư ngày một tăng, thậm chí có nhiều ca dưới 30 tuổi đã bị ung thư giai đoạn cuối. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ nên theo dõi thường xuyên.
Những đối tượng sau nên khám và tầm soát ung thư dạ dày:
- Tất cả đối tượng từ 40-45 tuổi trở lên.
- Viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm teo dạ dày, dị sản ruột…
- Trào ngược dạ dày thực quản lâu năm
- Nhiễm khuẩn HP…
Ung thư dạ dày do nhiễm khuẩn HP lâu năm
- Từng phẫu thuật cắt dạ dày.
- Polyp dạ dày.
- Thói quen ăn uống nhiều muối, thực phẩm ngâm chua, hun khói; ít rau xanh, trái cây.
- Người sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá.
Lưu ý, người bệnh cần đi khám ngay khi có các biểu hiện sau: nuốt khó, căng hoặc đau bụng vùng thượng vị, cảm giác buồn nôn, thường xuyên đầy hơi và ợ nóng, bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đi ngoài phân đen, chán ăn, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân…
5. Tầm soát ung thư dạ dày là khám những gì?
Khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ tư vấn, trao đổi để tìm hiểu về tiền sử bệnh lý cũng như đánh giá các yếu tố nguy cơ.
Xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ dấu ung thư dạ dày.
Thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm và nội soi. Hiện nay thì nội soi dạ dày là phương pháp được áp dụng nhiều nhất để phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý dạ dày. Nhờ các tiến bộ trong nội soi mà nội soi có độ chính xác rất cao (độ chính xác 95% đối với các trường hợp ung thư tiến triển), phát hiện các tổn thương còn rất nhỏ, giúp chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.
Nếu nghi ngờ tổn thương có thể phát triển thành ung thư, bạn cần khám và nội soi dạ dày định kỳ để phát hiện kịp thời ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Bên cạnh đó là chăm sóc sức khỏe bằng chế độ ăn uống và tập luyện.
Nếu được chẩn đoán ung thư, bạn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cùng với sinh thiết để kiểm tra giai đoạn và tính chất của tế bào ung thư. Nội soi kết hợp với sinh thiết là biện pháp quan trọng trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa phác đồ điều trị thích hợp nhất cho bạn.
Phát hiện sớm ung thư dạ dày giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí, hạn chế biến chứng và nhanh khỏi bệnh.
6. Lưu ý trước khi đi tầm soát ung thư dạ dày
- Mặc trang phục thuận tiện để việc thăm khám dễ dàng hơn;
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang sử dụng thuốc tiêu hóa gần đây hoặc tiền sử dị ứng thuốc;
- Nên nội soi vào buổi sáng và nhịn ăn sáng để thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày;
- Nếu nội soi gây mê, cần nhịn ăn từ 6-8 tiếng, chỉ được uống một ít nước lọc để tránh trào ngược vào phổi;
- Không nên hút thuốc lá và uống bia rượu trong vòng 24 tiếng trước khi đến khám.
Đáp ứng nhu cầu tầm soát sức khỏe cho người bệnh, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1 cung cấp gói khám tầm soát ung thư thực quản dạ dày. Bệnh nhân sẽ được thăm khám và tư vấn trực tiếp từ đội ngũ chuyên gia là các Bác sĩ đầu ngành, có chuyên môn cao từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.