NỘI SOI TIÊU HOÁ KHÔNG ĐAU: ƯU ĐIỂM, QUY TRÌNH, CHI PHÍ THỰC HIỆN

Nội soi tiêu hoá không đau là phương pháp nội soi có gây mê để phát hiện, chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý ở thực quản, dạ dày, tá tràng và đại trực tràng. So với nội soi thông thường, nội soi không đau thoải mái, an toàn và hiệu quả hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nội soi không đau và vai trò của nội soi không đau trong tầm soát ung thư đường tiêu hóa.

 


Nội soi không đau kiểm tra bệnh lý đường tiêu hóa

1. Nội soi tiêu hoá không đau là gì?

Nội soi không đau là phương pháp nội soi tiêu hóa có gây mê hoặc tiền mê trước khi tiến hành đưa ống soi vào người. Người bệnh ngủ thiếp đi và sẽ không thấy hay cảm nhận được quá trình nội soi diễn ra như thế nào.

Nội soi không đau bao gồm:

- Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng không đau: Đưa ống soi vào từ đường miệng qua cổ họng xuống thực quản, vào dạ dày và cuối cùng là tá tràng.

- Nội soi đại tràng – trực tràng không đau: Đưa ống soi vào từ đường hậu môn đến trực tràng, vào đại tràng và cuối cùng là manh tràng.

Ống nội soi là một ống nhựa dài, mềm, linh hoạt với camera và đèn ở đầu. Hình ảnh sẽ được ghi nhận trên màn hình theo thời gian thực.

2. Tại sao cần nội soi tiêu hoá không đau?

Trước kia nội soi thông thường sẽ được tiến hành khi bệnh nhân tỉnh táo. Điều này khiến nội soi trở thành một thủ thuật khá đáng sợ với nhiều người. Một số người thậm chí còn từ chối thực hiện nội soi vì lý do này.

Thế nhưng nội soi tiêu hóa là thủ thuật xâm lấn tối thiếu hiệu quả nhất để chẩn đoán và điều trị các bệnh đường tiêu hóa. Một số tình trạng như polyp đại tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trong khi tình trạng polyp và viêm loét làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. 

Việc sợ hãi, từ chối thực hiện nội soi tiêu hóa ở những bệnh nhân có nguy cơ ung thư này sẽ dẫn đến việc chẩn đoán trễ, điều trị trễ hoặc thậm chí là không còn cơ hội chữa khỏi. Trong khi các loại ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng rất phổ biến ở Việt Nam, đều có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.

Do đó, người ta đã áp dụng phương pháp nội soi không đau vào nội soi tiêu hóa để giúp bệnh nhân trải qua quá trình nội soi một cách thoải mái. Ngoài ra, việc bệnh nhân ngủ trong suốt quá trình nội soi đã làm tăng tính an toàn và hiệu quả của nội soi. Nhờ vào việc giảm các phản ứng bất lợi hoặc thái độ không hợp tác của bệnh nhân khiến bác sĩ phải kết thúc sớm quá trình nội soi, bỏ sót tổn thương.

 
Nội soi dạ dày không đau an toàn và hiệu quả

3. Ai và khi nào cần nội soi tiêu hoá không đau

Cả nội soi dạ dày và nội soi đại trực tràng đều có thể chọn nội soi thông thường hoặc nội soi không đau. Nội soi đại trực tràng sẽ khó chịu hơn, do đó phần lớn các trường hợp, đặc biệt là người lớn tuổi, bác sĩ sẽ khuyến nghị nội soi không đau. 

Nếu bạn chịu đau kém, bạn sợ nội soi hoặc bạn có trải nghiệm không tốt trong lần nội soi trước, bạn có thể chọn nội soi không đau. Hãy trao đổi với bác sĩ về mong muốn của bạn.

Bạn cần nội soi tiêu hóa không đau nếu có một trong các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý đường tiêu hóa sau đây:

- Khó nuốt, đau khi nuốt.

- Đau bụng.

- Khó tiêu, đầy hơi.

- Ợ chua, ợ nóng.

- Buồn nôn, nôn.

- Mất cảm giác thèm ăn.

- Cảm thấy dễ no dù chỉ ăn ít.

- Thay đổi thói quen đi ngoài.

- Táo bón hoặc tiêu chảy.

- Nôn ra máu.

- Phân có nhầy máu, đi tiêu ra máu.

- Thiếu máu không rõ nguyên nhân.

- Sút cân không rõ nguyên nhân.

Bạn cần nội soi dạ dày không đau nếu có các yếu tố nguy cơ ung thư thực quản, ung thư dạ dày dưới đây:

- Tất cả đối tượng từ 40-45 tuổi trở đi.

- Trào ngược dạ dày thực quản lâu năm.

- Barrett thực quản, túi thừa thực quản.

- Viêm loét dạ dày tá tràng, viêm teo dạ dày, dị sản ruột.

- Nhiễm khuẩn HP.

- Đã từng phẫu thuật cắt dạ dày, có polyp dạ dày.

- Thói quen ăn uống thiếu chất xơ, rau xanh và trái cây; nhiều chất béo, muối và các loại thịt chế biến sẵn, thực phẩm ngâm chua, hun khói.

- Thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.

 
Nội soi không đau tầm soát hiệu quả ung thư đường tiêu hóa

Bạn cần nội soi đại tràng không đau nếu có các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng dưới đây:

- Trên 45 tuổi.

- Viêm ruột mạn tính (viêm loét đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn).

- Có polyp đại tràng hoặc đã từng phẫu thuật cắt polyp đại tràng.

- Hội chứng di truyền: hội chứng Lynch, bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner.

- Tiền sử gia đình có người bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

- Chế độ ăn: nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu các vitamin A, B, C, E, thiếu canxi.

- Sử dụng thực phẩm chứa benzopyren, nitrosamin…

- Lối sống tĩnh tại.

- Lạm dụng thuốc lá và rượu bia.

- Béo phì.

4. Các thủ thuật điều trị thông qua nội soi tiêu hoá không đau

Ngoài chẩn đoán và theo dõi bệnh, một số thủ thuật có thể được tiến hành cùng lúc với nội soi không đau như:

- Xác định vị trí, lấy mẫu hoặc loại bỏ polyp.

- Xác định vị trí và gắp dị vật.

- Cắt niêm mạc điều trị ung thư sớm

- Lấy mẫu mô sinh thiết.

- Gắp giun qua nội soi

- Đặt stent trong trường hợp tắc, hẹp thực quản, tá tràng hoặc đại tràng.

- Cầm máu

 
Phát hiện và cắt polyp trong nội soi không đau

5. Chống chỉ định trong nội soi không đau

Nội soi không đau chống chỉ định với người có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê. Các chống chỉ định khác tương tự như nội soi thông thường là:

- Đang có tình trạng: suy hô hấp, suy tim, phình giãn động mạch chủ, tổn thương do hóa chất ăn mòn, sốc, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp, khó thở, ho nhiều, cổ chướng…

- Bệnh nhân không hợp tác.

Cân nhắc có nội soi hay không ở các đối tượng phụ nữ mang thai, người già yếu, suy nhược, rối loạn nhịp tim, vừa bị nhồi máu cơ tim gần đây, huyết áp thấp. Các chống chỉ định này sẽ được cân nhắc trên từng trường hợp cụ thể.

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê, đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, các bệnh lý và các loại thuốc hiện đang sử dụng như thuốc chống đông máu, cấy ghép máy tạo nhịp tim nhân tạo…

Ngoài ra, bệnh nhân đi khám một mình, không có người thân đi cùng sẽ không thực hiện nội soi không đau. Nguyên nhân là vì trong và sau khi nội soi gây mê, người bệnh không tỉnh táo và có thể bị buồn ngủ suốt ngày hôm đó. Nội soi không đau cần có người thân đi cùng để đưa về nhà sau khi nội soi xong.

6. Quy trình nội soi tiêu hoá không đau khác gì so với nội soi tiêu hoá thông thường

Quá trình chuẩn bị trước khi nội soi dạ dày và nội soi đại tràng tương tự như nội soi thông thường:

- Nội soi dạ dày: Cần nhịn ăn ít nhất 6-8 tiếng trước khi nội soi, chỉ uống nước lọc và ngưng uống nước trước khi nội soi 2 tiếng.

- Nội soi đại tràng: Ngày trước khi nội soi nên ăn nhẹ, nhịn ăn 8-12 tiếng trước khi nội soi, uống thuốc xổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, chỉ uống nước lọc và không được uống nước trước khi nội soi 2 tiếng.

Các bước thực hiện nội soi không đau tương tự như nội soi thường. Điểm khác biệt duy nhất là trước khi tiến hành nội soi, nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc gây mê vào tĩnh mạch cánh tay. Bệnh nhân sẽ thiếp đi ngay và quá trình nội soi sẽ diễn ra ngay sau đó. 

Sau khi nội soi xong, người bệnh sẽ được di chuyển sang phòng nghỉ cho đến khi tỉnh lại. Bệnh nhân cần ở lại phòng khám ít nhất 30 để theo dõi trước khi ra về.
 
Bổ sung nhiều nước sau khi nội soi đại tràng không đau

7. Chi phí nội soi không đau có cao không?

Với những lợi ích vượt trội so với nội soi thông thường, nôi soi không đau sẽ có chi phí cao hơn.

Đơn vị Nội soi tiêu hóa tại Phòng Khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 được trang bị hệ thống nội soi hiện đại của hãng Olympus – V.190, đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên môn cao giúp tăng hiệu quả phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa và tầm soát ung thư đường tiêu hóa với chi phí hợp lý.

8. Các câu hỏi thường gặp về nội soi không đau

a. Nội soi không đau có hiệu quả hơn nội soi thường không?

Có. Nội soi không đau hiệu quả hơn nội soi thường. 

Trong nội soi thông thường, các phản ứng của bệnh nhân như buồn nôn, cựa quậy, giãy dụa có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình kiểm tra đường tiêu hóa. Trong nhiều trường hợp, vì bệnh nhân phản ứng quá dữ dội, bác sĩ phải chấm dứt sớm quá trình nội soi, có thể bỏ sót một số tổn thương nhỏ. Nội soi không đau hoàn toàn khắc phục được tình trạng này.

b. Cảm giác khi nội soi không đau như thế nào?

Bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình nội soi vì vậy sẽ không cảm thấy bất cứ điều gì. Nhiều người sau khi tỉnh lại miêu tả quá trình nội soi giống như chỉ ngủ một giấc ngủ ngắn.

c. Nội soi gây mê có an toàn không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

So với nội soi thường, nội soi không đau an toàn hơn nhờ giảm các phản ứng sợ hãi, giãy giụa của bệnh nhân.

Thuốc gây mê/ an thần sử dụng trong nội soi là thuốc gây mê trong thời gian ngắn với liều lượng nhẹ, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hầu hết mọi người sẽ không gặp phản ứng bất lợi gì sau khi sử dụng, chỉ cảm thấy buồn ngủ sau đó. Buồn ngủ có thể kéo dài cả ngày, do đó không nên tự lái xe, điều khiển máy móc hay ký giấy tờ quan trọng. Một số người sau khi sử dụng thuốc có thể bị đau đầu hoặc cảm thấy buồn nôn.

Một số hiếm người có thể bị phản ứng với thuốc gây mê. Quan trọng là cần báo cho bác sĩ nếu có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê. Nếu bạn bị sốc, bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý ngay lập tức.

 
Cần thận trọng khi chỉ định nội soi ở phụ nữ mang thai

d. Đang mang thai có nội soi gây mê được không?

Ngoài các trường hợp nghiêm trọng, trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ đang mang thai không nên nội soi, kể cả nội soi thường và nội soi gây mê.

Mặc dù nội soi tiêu hóa không đau an toàn, nhưng ở phụ nữ mang thai vẫn có một số nguy cơ nhất định như nguy cơ gây hạ huyết áp cho mẹ, gây thiếu oxy cho mẹ và thai nhi. Lựa chọn tốt nhất là hoãn nội soi cho đến tam cá nguyệt thứ hai hoặc sau khi sinh.

Trong các trường hợp bắt buộc điều trị như xuất huyết nặng, chứng khó nuốt, nghi ngờ ung thư, tiêu chảy nặng, nôn nặng… thì nội soi đường tiêu hóa vẫn là một phương pháp an toàn hơn so với chụp X-quang hay phẫu thuật. Nội soi ở phụ nữ mang thai nên sử dụng liều thuốc an thần thấp nhất với thời gian thủ tục ngắn.

Nói chung, chỉ định nội soi ở phụ nữ mang thai sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Bạn chỉ nên đi khám và thực hiện nội soi ở những cơ sở y tế chất lượng.

e. Lớn tuổi có nội soi gây mê được không?

Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng hơn. Bên cạnh các bệnh ác tính thì người lớn tuổi thường có xu hướng mắc các bệnh lành tính như viêm loét dạ dày – tá tràng. 

Các chỉ định và chống chỉ định nội soi không đau ở người lớn tuổi phần lớn giống như ở người trẻ tuổi. Tần suất nội soi định kỳ sẽ dựa trên sự phát triển của các bệnh liên quan đến tuổi tác.