Ai cũng có thể bị đau bụng, đó có thể là cơn đau dữ dội hoặc đau âm ỉ, không liên tục. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đau bụng chỉ thường xảy ra vào buổi sáng. Dưới đây là 10 nguyên nhân có thể gây ra đau bụng, bao gồm thực phẩm, tình trạng khó tiêu hay viêm nhiễm đường tiêu hóa.

1. Loét dạ dày
Loét dạ dày là tình trạng những vết loét hình thành trên niêm mạc dạ dày, xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng kéo dài.
Loét dạ dày gây đau rát hoặc đau âm ỉ ở phần bụng vùng giữa ngực và rốn. Cơn đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng chúng thường xảy ra vào buổi sáng vì khi đó axit trong dạ dày vẫn tiết ra bình thường nhưng không có thức ăn để tiêu hóa.
Tốt nhất là bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị loét dạ dày để tránh tình trạng vết loét gây chảy máu, tắc hệ tiêu hóa hoặc thủng dạ dày.
2. hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt là hội chứng rối loạn ruột già, có các triệu chứng như đau bụng, rối loại nhu động ruột mà không phải do tổn thương ở ruột gây ra.
Ở người bị hội chứng ruột kích thích, nhu động ruột hoạt động bất thường có thể gây đau bụng. Ngoài ra, một số triệu chứng thường gặp khác là:
- Tiêu chảy;
- Táo bón;
- Đầy hơi, chướng bụng;
- Tần suất đi cầu thay đổi;
- Có chất nhầy trong phân.
Những triệu chứng này nếu không điều trị có thể kéo dài trong hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí là hàng năm, gây khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các triệu chứng có thể giảm hoặc biến mất sau khi điều trị, nhưng rất dễ tái phát. Lo lắng và căng thẳng có thể làm tăng triệu chứng, nhất là vào buổi sáng.
Hiện nay, chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh lý này, nhưng việc hạn chế một số thực phẩm (như bơ sữa, nước giải khát có ga, thực phẩm chiên, béo, cay, tanh, lạnh), bổ sung nhiều chất xơ, tránh căng thẳng và tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện triệu chứng.
3. Bệnh viêm ruột (IBD)
Bệnh viêm ruột (IBD) là bệnh mạn tính, dùng chung cho hai tình trạng: bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng.
Trong khi bệnh Crohn có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn, thì viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng đến ruột già. Cả hai bệnh có những triệu chứng khá giống nhau, xảy ra từ nhẹ đến nặng:
- Đau bụng
- Tiêu chảy nhiều lần trong ngày
- Tiêu phân ra máu
- Sụt cân
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
Việc điều trị bệnh viêm ruột chỉ nhằm làm giảm các triệu chứng. Vì vậy, người bệnh cần hết sức cẩn thận, bởi bệnh viêm ruột có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tắc nghẽn ruột, áp xe hoặc lỗ rò.
Người bị viêm ruột cần tránh căng thẳng và một số loại thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm: đồ uống có ga, cồn, cafein, thức ăn cay, chua, thực phẩm béo hoặc nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều chất xơ, các loại hạt, rau củ trái cây, thịt đỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa.
4. Táo bón

Táo bón là nguyên nhân gây đau bụng buổi sáng
Táo bón là tình trạng đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần hoặc gặp khó khăn khi đi đại tiện như: phân khô cứng, buồn mà không đi được, thời gian đi tiêu lâu, lúc đi phải rặn mạnh, cảm giác đi tiêu chưa hết phân.
Đây là tình trạng rất hay gặp, phổ biến hơn ở người già, người thừa cân béo phì và nhân viên văn phòng. Nguyên nhân gây táo bón thường là do ít vận động, uống ít nước, ăn nhiều đạm, thiếu chất xơ, căng thẳng hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Khi bị táo bón, hoạt động ruột không hiệu quả, dẫn đến đau bụng dưới vào buổi sáng và các thời điểm khác trong ngày. Tăng cường vận động là một cách giảm bón tự nhiên nhờ kích thích các cơn co thắt ruột.
Ngoài ra, để cải thiện tình trạng táo bón, cần chú ý chế độ ăn uống, bổ sung thực phẩm có tác dụng nhuận tràng và chất xơ, ăn nhiều rau củ và trái cây, uống nhiều nước và chú ý đi đại tiện đúng lúc.
Nếu tình trạng táo bón kéo dài trên 2 tuần, hãy đến bệnh viện để kiểm tra xem nó có phải là một triệu chứng khởi đầu của bệnh lý khác hay không.
5. Viêm tụy
Viêm tụy có thể gây ra cơn đau ở bụng trên, một nửa các trường hợp có đau lan ra lưng. Đôi khi cơn đau tồi tệ hơn sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn sáng.
Trong viêm tụy do sỏi mật, cơn đau thường xuất hiện đột ngột; trong viêm tụy do rượu, cơn đau kéo dài trong vài ngày. Khi ngồi nghiêng về phía trước có thể giúp làm giảm cơn đau. Cơn đau có thể tăng lên khi ho, cử động mạnh hoặc hít thở sâu. Một số triệu chứng khác là buồn nôn, ói mửa và sốt.
Mặc dù viêm tụy nhẹ có thể tự cải thiện hoặc dùng thuốc giảm đau, tuy nhiên các trường hợp đau dữ dội đến vã mồ hôi hoặc đau dai dẳng cần phải đi khám bác sĩ để điều trị.
Một chế độ ăn ít chất béo, nhiều trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc và thịt nạc, có thể ngăn ngừa viêm tụy tái phát trong tương lai.
6. Viêm túi thừa
Bệnh túi thừa là khi các cấu trúc dạng túi nhỏ phát triển trong thành của đại tràng. Viêm túi thừa xảy ra khi một hoặc một vài túi thừa bị viêm.
Biểu hiện của viêm túi thừa là đau một phần tư bụng dưới bên trái, bụng mềm, đau đôi khi xuất hiện ở xương mu. Một số người có thể bị đau ở bên phải do tổn thương cả đại tràng phải. Cơn đau do viêm túi thừa có thể nặng hơn vào buổi sáng và nhẹ hơn sau khi đi ngoài. Cơn đau bụng có thể kèm theo một số triệu chứng khác bao gồm:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Sốt
- Táo bón
Trong khi phần lớn các ca viêm túi thừa chỉ viêm đơn thuần thì số còn lại có thể gặp các biến chứng như: viêm thành ruột, viêm phúc mạc, thủng ruột, lỗ rò hoặc áp xe. Các cơn đau dai dẳng và dữ dội cần điều trị y tế để điều trị nhiễm trùng hoặc phẫu thuật nếu cần.
Giảm ăn thịt đỏ và tăng cường chất xơ, bao gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu… có thể ngăn ngừa táo bón và giảm nguy cơ viêm túi thừa.
7. Sỏi mật

Sỏi mật có thể gây đau bụng buổi sáng
Sỏi mật là tình trạng lắng đọng dịch tiêu hóa trong túi mật hoặc đường mật, hình thành sỏi. Đa số người bị sỏi mật không có bất kỳ triệu chứng nào, số còn lại có thể bị đau dữ dội ở vùng bụng phải hoặc vùng thượng vị. Cơn đau có thể lan sang xương bả vai đến sau lưng. Bệnh thường đau nhiều hơn sau khi ăn, vào ban đêm và buổi sáng.
Một số triệu chứng khác có thể gặp là:
- Buồn nôn
- Đầy bụng, khó tiêu
- Nước tiểu có màu sẫm
- Vàng da, vàng mắt
- Sốt.
Nếu bị đau bụng dữ dội hoặc cơn đau lan đến xương bả vai, hãy đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị.
Để hạn chế nguy cơ sỏi mật, bạn cần ăn đúng bữa, duy trì cân nặng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung đủ vitamin, uống nhiều nước và thường xuyên vận động.
8. Dị ứng thức ăn
Bạn có thể bị đau bụng nếu ăn phải thức ăn gây dị ứng trước khi đi ngủ. Mặc dù, dị ứng thức ăn có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như: sữa và sản phẩm từ sữa, hải sản… có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:
- Co thắt dạ dày
- Buồn nôn và nôn mửa
- Phát ban, sưng tấy và ngứa
- Thở khò khè
- Chóng mặt
- Sưng lưỡi…
Dị ứng là một phản ứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do khó thở và tụt huyết áp. Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn có triệu chứng dị ứng.
Hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm để đảm bảo trong sản phẩm không có chất gây dị ứng cho bạn. Đối với các thực phẩm dễ gây dị ứng khác, không nên ăn một lần quá nhiều mà hãy ăn một lượng vừa phải.
9. Bệnh Celiac
Bệnh Celiac còn gọi là tình trạng không dung nạp Gluten (gluten là protein được tìm thấy trong lúa mì và một số loại ngũ cốc khác). Nếu bị bệnh Celiac, bạn có thể bị đau bụng vào buổi sáng cùng với các triệu chứng sau:
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Đầy hơi chướng bụng
- Mệt mỏi
- Thiếu máu
Bệnh Celiac nếu không được điều trị, về lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương niêm mạc, viêm loét ruột non, hẹp ruột non, làm tăng nguy cơ ung thư hạch và ung thư biểu mô ruột non.
Bệnh có thể được kiểm soát bằng cách tuân thủ chế độ ăn không gluten. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm bệnh Celiac qua khám bệnh và xét nghiệm chẩn đoán.
10. Khó tiêu

Khó tiêu cũng là một trong những nguyên nhân gây đau bụng buổi sáng
Khó tiêu có thể gây nóng rát, đầy hơi và ợ hơi, buồn nôn và nôn ói, đau bụng trên. Các triệu chứng thường xảy ra sau khi ăn, vì vậy bạn có thể bị đau bụng từ đầu hoặc sau bữa ăn sáng.
Tuy nhiên, khó tiêu cũng có thể là triệu chứng ban đầu của một số tình trạng bệnh khác, chẳng hạn như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày hoặc viêm túi mật. Vì vậy, nếu bạn bị khó tiêu kéo dài hơn hai tuần, hoặc khó tiêu kèm theo sụt cân, nôn mửa, đi phân đen, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
Để cải thiện chứng khó tiêu, tránh ăn các thực phẩm dầu mỡ, cay nóng, mỗi bữa không ăn quá no, kiểm soát căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.
Mặc dù cơn đau bụng có thể tự biến mất sau đó, nhưng bạn cần lưu ý với những cơn đau dữ dội kéo dài, đột ngột hoặc nặng dần, đặc biệt là cơn đau kèm theo nôn mửa, đi ngoài có máu hoặc sốt cao. Trong trường hợp đó, bạn cần đi khám Nội tiêu hóa để ngăn những biến cố sức khỏe có thể xảy ra.