NGÁY TO VÔ LO HAY PHẢI ĐÁNG LO VỀ CHỨNG NGƯNG THỞ KHI NGỦ???
“Đó giờ ông xã tôi về tới nhà là lăn ra ngủ ngáy ro ro, đâu có biết ngáy là bệnh. Ổng có huyết áp cao mà trị hoài không đỡ, giờ bác sĩ cho đo giấc ngủ mới biết có bệnh này”. Đó là tâm sự của một người nhà bệnh nhân được phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong khi ngủ, gây ra thiếu oxy máu. Tình trạng này thường xảy ra khi đường thở trên bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, gọi là ngưng thở do tắc nghẽn. Trường hợp ít gặp hơn, nếu não bộ không phát tín hiệu điều khiển nhịp thở thì gọi là ngưng thở do trung ương.
Ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đột quỵ… Việc nhận biết chứng bệnh và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.
Ngáy to vô lo hay phải đáng lo về chứng ngưng thở khi ngủ
1. Nhận biết đường thở ở người bình thường và người bị ngưng thở khi ngủ
Bình thường, khi ngủ sâu, cơ toàn thân được thả lỏng, trong đó có mô mềm ở lưỡi, họng, tuy nhiên không đến mức lấp kín đường thở. Nếu mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn, đường thở sẽ bị xẹp nhiều lần trong đêm, phổi bị thiếu oxy, người bệnh cảm thấy ngộp thở.
Khi đó, não sẽ phát hiện và ra tín hiệu làm mở đường thở, biểu hiện là tiếng ngáy to, người bệnh cũng bị thức giấc nhiều lần trong đêm để thở lại. Tình trạng thức giấc này thường rất ngắn và người bệnh không nhận biết được.
Do đó, người bị ngưng thở khi ngủ vẫn có thể có thời gian ngủ như bình thường, nhưng chất lượng giấc ngủ kém, giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không đủ sâu. Ngoài ra, cơ thể thường xuyên bị thiếu oxy khi ngủ.
2. Dấu hiệu nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ
Nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ
a. Mệt mỏi cả ngày
Người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, đôi khi tính tình thay đổi, dễ cáu gắt. Trẻ em thường học kém, hay bị giáo viên than phiền kém tập trung, hay quấy phá trong lớp.
b. Buồn ngủ ban ngày quá mức
Đây là một trong các dấu hiệu đặc trưng của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Hậu quả của buồn ngủ ban ngày là chất lượng công việc giảm sút, dễ gây tai nạn giao thông, tai nạn lao động…
c. Ngủ ngáy
Thỉnh thoảng người khỏe mạnh cũng có ngáy, nhưng không thường xuyên. Trong khi đó, người bị ngưng thở khi ngủ rất thường ngáy khi ngủ, tiếng ngáy khá ồn ào, nghe như bị nghẹt thở, người bệnh cảm giác ngộp, đôi khi giật mình tỉnh giấc, người ngủ chung nếu để ý sẽ thấy có lúc người bệnh ngưng thở (ngực, bụng không nhấp nhô theo nhịp).
d. Bị đau đầu khi thức dậy
Nếu vào buổi sáng thức dậy bạn thường xuyên cảm thấy đau đầu thì đó có thể do hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra. Nguyên nhân là do thay đổi nồng độ oxy ở não trong đêm.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm. Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ còn có nguy cơ mắc các tình trạng khác như huyết áp cao, huyết áp khó kiểm soát dù đã kết hợp 3-4 loại thuốc, đường huyết khó kiểm soát, dễ gây đợt cấp hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm khả năng tình dục, bệnh nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, đột quỵ,…
Do vậy, hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng bệnh lý cần chẩn đoán và điều trị nghiêm túc. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải những tình trạng ở trên thì nên đi gặp bác sĩ hô hấp để được tư vấn hoặc thực hiện các phương pháp khảo sát giấc ngủ để sớm phát hiện bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm.
3. Phương pháp khảo sát giấc ngủ
Phương pháp khảo sát giấc ngủ được chia thành Loại I, Loại II, Loại III và Loại IV. Trong đó, khảo sát loại II, III, IV không có mặt của nhân viên y tế và có thể thực hiện bên ngoài phòng khám hoặc bệnh viện.
Loại II đo được các thông số như loại I nhưng không có mặt nhân viên y tế. Loại III chỉ đo được các thông số tim, phổi, không đánh giá được giai đoạn giấc ngủ. Loại IV chỉ đo được 1-2 thông số, thường là độ bão hòa oxy máu và nhịp tim, hoặc chỉ đo luồng khí lưu thông.
Ngoài ra, khảo sát loại II, III, IV còn có hạn chế là không thực hiện được trên một số đối tượng, như: có bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng, bệnh thần kinh – cơ, động kinh, ngủ rũ, rối loạn cử động chân có chu kỳ,…
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (cơ sở 20-22 Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10) sử dụng phương pháp khảo sát giấc ngủ Loại I (đa ký giấc ngủ).
Đo đa ký giấc ngủ tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1
So với các phương pháp khảo sát không có nhân viên y tế theo dõi (loại II đến IV), đa ký giấc ngủ có ưu điểm là có thể điều chỉnh điện cực khi cần, giảm nguy cơ lỗi kĩ thuật, có sự hỗ trợ về chuyên môn y tế khi người bệnh có nhu cầu, đánh giá được giai đoạn giấc ngủ.
Điểm bất lợi duy nhất của loại này là người bệnh cần ngủ tại phòng khám/bệnh viện. Tuy nhiên, đa ký giấc ngủ hiện là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngưng thở lúc ngủ và các rối loạn hô hấp khác khi ngủ. Ngoài ra, Phòng khám hỗ trợ sẵn chỗ ngủ cho người nhà đi cùng.
Chuyên gia Hô Hấp PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan
Giám Đốc PK Bệnh Viện Đại Học Y Dược 1