KHÁM SỨC KHOẺ TỔNG QUÁT NỮ CÓ GÌ?


 

1. Khám sức khỏe tổng quát cho nữ là gì? 

Phụ nữ từ 18 tuổi nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6-12 tháng ngay cả khi cảm thấy mình khỏe mạnh. Đây là một thói quen tốt cần được duy trì, bởi thông qua đó, bạn không chỉ biết được tình trạng sức khỏe hiện tại mà còn có thể được chẩn đoán sớm các bệnh lý nguy hiểm, dự phòng các biến cố sức khỏe trong tương lai.

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ có thể đến từ môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện, lối sống, gen di truyền hay tiền sử gia đình. Thay vì chờ đến khi có triệu chứng bệnh mới đi khám thì cách tốt hơn là bạn nên chủ động đi khám sức khỏe.

phu-nu-nen-kham-suc-khoe-tong-quat-dinh-ky
Phụ nữ nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ

2. Khám sức khỏe tổng quát nữ có gì?

a. Kiểm tra bệnh phụ khoa

Phụ nữ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý phụ khoa bằng một số xét nghiệm như:

- Xét nghiệm liqui-prep phết tế bào cổ tử cung.

- Soi tươi huyết trắng.

- Soi cổ tử cung.

- Xét nghiệm phát hiện nhiễm virus HPV.

Trong đó, xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là một xét nghiệm quan trọng, được thực hiện ở phụ nữ đã quan hệ tình dục, để phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Ngay cả khi bạn đã tiêm ngừa HPV đầy đủ, bạn vẫn cần làm xét nghiệm này định kỳ.

b. Kiểm tra sức khỏe tim mạch

Phụ nữ nên khám sức khỏe tim mạch, đặc biệt là sau 45 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ như rối loạn chuyển hóa lipid, thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Bệnh lý tim mạch và các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể được sàng lọc qua khám sức khỏe tổng quát, với các hạng mục như:

- Kiểm tra chỉ số khối cơ thể BMI.

- Đo huyết áp.

- Xét nghiệm máu: cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, cholesterol HDL, triglycerid.

- Điện tâm đồ (ECG).

- Siêu âm Doppler tim.

- Siêu âm Doppler động mạch cảnh.

- Chụp MRI mạch máu não.

- Tỷ số huyết áp động mạch cổ chân – cánh tay (ABI)

 kham-suc-khoe-tong-quat-de-kiem-tra-suc-khoe-tim-mach
Khám sức khỏe tổng quát để kiểm tra sức khỏe tim mạch

c. Kiểm tra bệnh đái tháo đường

Xét nghiệm được sử dụng phổ biến để tầm soát bệnh đái tháo đường là xét nghiệm glucose (định lượng glucose trong máu lúc đói). Đây là xét nghiệm cơ bản trong khám sức khỏe tổng quát để phát hiện tình trạng tiền đái tháo đường và đái tháo đường. 

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ khi bị đái tháo đường có thể bị đái tháo đường thai kỳ - một tình trạng gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Phụ nữ trong thai kỳ sẽ tầm soát đái tháo đường bằng xét nghiệm HbA1c – xét nghiệm lượng đường trước và sau khi uống đường bổ sung.

d. Kiểm tra chức năng gan, thận

Chức năng gan được đánh giá bằng các xét nghiệm cận lâm sàng như:

- Xét nghiệm máu: chỉ số men gan (ALT, AST, GGT), HBsAg phát hiện nhiễm virus viêm gan B, HCV Ab phát hiện nhiễm virus viêm gan C, định lượng Protein, Albumin, tỷ lệ A/G.

- Xét nghiệm nước tiểu.

- Siêu âm bụng.

- Chụp MRI bụng.

Chức năng thận có thể được đánh giá thông qua:

- Xét nghiệm máu: định lượng ure, creatinine, độ lọc cầu thận ước tính (eGFR).

- Xét nghiệm nước tiểu, bao gồm micro albumin/NT.

- Siêu âm bụng.

- Chụp MRI bụng.

e. Kiểm tra chức năng hô hấp

Kiểm tra chức năng phổi là bài kiểm tra cần phải có khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Phổi – hô hấp được kiểm tra bằng cách:

- Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi.

- Hô hấp ký

- CPET.

f. Kiểm tra mắt

Tất cả phụ nữ cần khám mắt định kỳ để kiểm tra tật khúc xạ, kính độ mắt đang đeo có phù hợp không hoặc các bệnh về mắt như tăng nhãn áp. Các bài kiểm tra cơ bản là kiểm tra độ mắt, khám mắt bằng kính sinh hiển vi, đo nhãn áp, soi đáy mắt trực tiếp. 

g. Kiểm tra răng

Vệ sinh răng miệng đúng cách và hạn chế thực phẩm có hại cho răng là cách để giảm nguy cơ sâu răng, bệnh nướu răng v.v. Ngoài ra, bạn cần khám nha khoa ít nhất mỗi năm một lần.

h. Kiểm tra tai – mũi – họng

Khám sức khỏe tổng quát tai – mũi – họng thực hiện một hoặc tất cả các bài kiểm tra như:

- Nội soi tai mũi họng.

- Đo thính lực đơn âm.

- Đo nhĩ lượng.

- Đo phản xạ cơ bàn đạp.

Các bài kiểm tra này giúp phát hiện các bệnh lý tai mũi họng và đánh giá hiệu quả hoạt động thính lực. 

i. Kiểm tra bệnh lý xương khớp

Khám sức khỏe tổng quát kiểm tra một số bệnh xương khớp thường gặp như: bệnh gout, viêm khớp dạng thấp qua xét nghiệm máu: định lượng acid uric, định lượng RF, kiểm tra tình trạng viêm.

Loãng xương là tình trạng xương trở nên giòn và dễ gãy hơn. Kiểm tra mật độ xương giúp xác định sức khỏe của xương. Đo mật độ xương được sử dụng cho phụ nữ:

- Bị loãng xương.

- Có các yếu tố nguy cơ loãng xương: người béo phì hoặc có trọng lượng cơ thể thấp, mãn kinh sớm, trên 70 tuổi, sử dụng glucocorticoid trong thời gian dài, thiếu canxi, người thân bị loãng xương…

- Biến dạng cột sống với tư thế khom lưng.

- Trước đó bị gãy xương.

j. Kiểm tra chức năng tuyến giáp

 sieu-am-tuyen-giap-trong-kham-suc-khoe-tong-quat-dinh-ky
Siêu âm tuyến giáp trong khám sức khỏe tổng quát định kỳ

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, tham gia vào quá trình tăng trưởng và điều hòa nhiều hoạt động của cơ thể. Kiểm tra sức khỏe tuyến giáp bao gồm:

- Xét nghiệm máu định lượng hormone: TSH, FT4 để kiểm tra tình trạng suy giáp, nhược giáp.

- Siêu âm tuyến giáp đánh giá tình trạng tuyến giáp, phát hiện khối u tuyến giáp lành tính và ác tính.

k. Tầm soát ung thư

05 loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới Việt Nam là: ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. 03 loại ung thư phụ khoa phổ biến nhất là: ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng. Phụ nữ từ 40-45 tuổi cũng nên tầm soát ung thư khi khám sức khỏe định kỳ:

- Xét nghiệm huyết thanh chỉ dấu ung thư;

- X-quang hoặc CT phổi tầm soát ung thư phổi;

- Siêu âm vú tầm soát ung thư vú;

- Siêu âm bụng tầm soát ung thư gan, tụy…

- Chụp MRI bụng, vùng chậu;

- Nội soi đường tiêu hóa tầm soát ung thư thực quản – dạ dày, đại trực tràng.

Trên đây là những bài kiểm tra dành cho phụ nữ khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Tuy nhiên, hạng mục khám sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân, tình trạng sức khỏe và từng gói khám sức khỏe khác nhau. Ví dụ, các gói khám sức khỏe cơ bản thường không có chụp MRI, nội soi tiêu hóa hay huyết thanh chỉ dấu ung thư. Hoặc những người lớn tuổi cần khám chi tiết hơn người trẻ khỏe mạnh, vì nguy cơ bệnh tật tăng lên theo tuổi tác. Hoặc phụ nữ mang thai không nên thực hiện một số cận lâm sàng như X-quang, CT hay đo loãng xương.

Đôi khi, các xét nghiệm trong gói khám sức khỏe tổng quát là không đủ để chẩn đoán bệnh lý, do đó, tùy vào tình trạng của từng người mà bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm bổ sung. 

Ngoài khám sức tổng quát, bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe tại nhà bằng cách:

- Da: quan sát tàn nhang, nốt ruồi và làn da xem có gì bất thường không, ví dụ như thay đổi kích thước, hình dạng hay màu sắc, ngứa và đau.

- Tự kiểm tra tuyến vú tại nhà, quan sát sự thay đổi màu sắc, kích thước hoặc một khối u bất thường.

- Cân nặng: có chế độ ăn uống và rèn luyện phù hợp nếu bị thừa cân béo phì.

- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào về thực thể hoặc cảm xúc, hành vi, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.