Suy giáp là tình trạng tuyến giáp giảm sản xuất các hormone tuyến giáp (T3,T4), gây ảnh hưởng đến một loạt các chức năng trong cơ thể. Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở cổ, sản xuất các hormone tham gia vào nhiều quá trình quan trọng của cơ thể như tăng trưởng, chuyển hóa, tuần hoàn...Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh suy giáp:
1. Nguyên nhân gây suy giáp là gì?
Suy giáp có thể xảy ra vì một số nguyên nhân là:
- Suy giáp bẩm sinh, thiếu iốt.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto (viêm tuyến giáp lympho mạn tính) – một tình trạng tự miễn.
- Phẫu thuật cắt tuyến giáp.
- Điều trị iod phóng xạ, tia xạ vùng cổ.
- Sử dụng một số loại thuốc như amiodarone, interferon alfa, lithium, thalidomide, stavudine, interleukin-2…
- Bệnh lý tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
- Đề kháng ngoại vi với hormone tuyến giáp.
- Bất thường thụ thể với T4 ở tế bào.
2. Đàn ông có thể bị suy giáp không?
Cả nam và nữ đều có thể bị suy giáp, nhưng phụ nữ có nguy cơ bị suy giáp cao hơn.
Suy giáp có thể xảy ra ở cả hai giới
3. Làm cách nào để biết một người đang suy giáp?
Triệu chứng suy giáp có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng các triệu chứng phổ biến là:
- Da khô, dày;
- Da tay, chân lạnh, dày; gan bàn tay, bàn chân vàng;
- Tóc khô và rụng nhiều;
- Khả năng chịu lạnh kém;
- Mệt mỏi, không có năng lượng;
- Lãnh cảm, giảm nhu cầu tình dục;
- Suy nghĩ chậm chạp, hay quên, khó tập trung;
- Nhịp tim chậm;
- Thở nông, chậm;
- Yếu cơ, đau cơ, hay bị chuột rút;
- Thiếu máu;
- Chán ăn nhưng tăng cân;
- Táo bón;
- Rối loạn kinh nguyệt, mất kinh;
- Khàn giọng, ngủ ngáy;
- Ù tai, nghe kém.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, bạn cần thực hiện các xét nghiệm và hình ảnh học như: Định lượng hormone kích thích tuyến giáp TSH, hormone tuyến giáp T3, T4 hoặc FT3, FT4, siêu âm tuyến giáp.
4. Có cần tầm soát suy giáp không?
Không có khuyến nghị tầm soát bệnh lý tuyến giáp rộng rãi ở người lớn. Nhưng nếu bạn có yếu tố nguy cơ của suy giáp thì bạn nên tầm soát định kỳ:
- Phụ nữ mang thai.
- Phụ nữ sau mãn kinh.
- Bệnh nhân đái tháo đường loại 2.
- Bệnh nhân mắc bệnh tự miễn.
- Có tiền sử chiếu xạ hoặc phẫu thuật tuyến giáp.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
5. Nếu được chẩn đoán suy giáp cần điều trị như thế nào?
Nếu bạn bị suy giáp, tùy vào mức độ giảm hormone tuyến giáp cũng như nguyên nhân gây suy giáp mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị suy giáp chủ yếu bằng bổ sung hormone tuyến giáp (như hormone levothyroxine L-T4) và điều trị triệu chứng.
Bạn không nên tự ý giảm liều lượng hoặc ngừng hẳn việc sử dụng thuốc điều trị suy giáp, vì điều này có thể khiến suy giáp nghiêm trọng hơn.
6. Cần điều trị suy giáp trong bao lâu?
Người bị suy giáp có thể cần sử dụng hormone tuyến giáp trong suốt cuộc đời. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Liều lượng thuốc có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào mức độ hormone. Liều lượng sẽ do bác sĩ điều trị quyết định.
7. Không điều trị suy giáp có thể dẫn đến hậu quả gì?
Bởi vì tuyến giáp liên quan đến rất nhiều hoạt động của cơ thể, vì vậy mà suy giáp nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng:
- Bướu cổ
- Thừa cân béo phì
- Bệnh chuyển hóa: rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường loại 2
- Bệnh tim mạch: rối loạn nhịp tim, suy vành, tràn dịch màng tim
- Bệnh thận
- Tổn thương thần kinh
- Trầm cảm
- Tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản, bao gồm kinh nguyệt không đều và vô sinh.
Tình trạng hôn mê myxedema coma là một dạng hôn mê do suy giáp, thường xảy ra ở bệnh nhân suy giáp lớn tuổi không được điều trị. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng với các triệu chứng:
- Hôn mê yên tĩnh, từ từ
- Hạ thân nhiệt
- Nhịp tim chậm, huyết áp giảm
- Tràn dịch màng tim
- Tăng CO2 máu, giảm O2
- Thở chậm, khò khè, ngừng thở
- Hạ Natri máu
- Tăng Clo máu
Tình trạng hôn mê do suy giáp cần được cấp cứu điều trị.
8. Suy giáp trong thai kỳ có nguy hiểm không?
Phụ nữ suy giáp cần lưu ý khi mang thai
Suy giáp trong thai kỳ nếu không được điều trị có thể gây nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi. Ở người mẹ, hormone tuyến giáp thấp gây thiếu máu, tiền sản giật, sảy thai. Ở trẻ em, hormone tuyến giáp đóng vai trò trong phát triển não của bào thai và trẻ nhỏ trong vài năm đầu sau sinh. Suy giáp bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Vì vậy, phụ nữ bị suy giáp từ trước khi có thai đến khi sinh con cần được điều trị, theo dõi và đánh giá TSH huyết tương thường xuyên.
9. Thuốc điều trị suy giáp có tác dụng phụ không?
Hormone tuyến giáp cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa tác dụng phụ. Nếu sử dụng quá liều, thuốc có thể gây ra một số tình trạng:
- Khó ngủ.
- Tim đập nhanh.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Run chân tay.
Nếu có triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị, hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc quay lại tái khám.
10. Người bị suy giáp nên và không nên ăn gì?
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân suy giáp cần chú ý đến chế độ ăn uống để hỗ trợ điều trị hiệu quả. Một số thực phẩm người bị suy giáp nên ăn là:
- Thực phẩm giàu iốt từ hải sản, các loại rau xanh đậm.
- Nước ép rau củ và nước trái cây tươi.
- Gia vị cay nóng như hạt tiêu, gừng, ớt, quế.
- Axit béo và protit.
Dưới đây là những thực phẩm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp hoặc làm giảm tác dụng của thuốc điều trị tuyến giáp người bị suy giáp nên tránh:
- Đậu nành.
- Bắp cải, súp lơ, củ cải, cải bẹ trắng (đặc biệt là người bị suy giáp do thiếu iốt).
- Thực phẩm béo (bơ, mayonaise, mỡ động vật, nội tạng động vật).
- Thực phẩm chứa nhiều đường (kẹo, bánh ngọt, nước ngọt…).
- Cafein (cà phê, trà, nước tăng lực, nước ngọt có ga…).
- Rượu bia.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ kỹ hơn để có chế độ ăn uống phù hợp.