CHỤP X-QUANG: ƯU ĐIỂM, HẠN CHẾ, KHI NÀO CẦN CHỤP?

Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dựa vào tia X, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý. X-quang có ưu điểm là có thể ứng dụng rộng rãi, kỹ thuật đơn giản, thực hiện nhanh, chi phí thấp.


1. Chụp X-quang là gì?

X-quang là kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý dựa vào tia X – một dạng bức xạ điện từ. X-quang sử dụng một chùm tia X chiếu qua cơ thể để tạo hình ảnh các cấu trúc có vị trí, độ dày và tỷ trọng khác nhau bên trong cơ thể.

Việc phát hiện ra tia X và phát minh ra máy chụp X-quang có ý nghĩa rất quan trọng trong y học. Hiện nay, X-quang đã trở thành một công cụ y tế có giá trị trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý. Chụp X-quang có vai trò:

- Tầm soát và chẩn đoán bệnh lý.

- Hỗ trợ lập kế hoạch điều trị nội khoa và ngoại khoa.

- Hướng dẫn và theo dõi quá trình điều trị.

2. Có thể chụp X-quang những bộ phận nào?

X-quang có thể được ứng dụng để chẩn đoán hình ảnh:

- Xương khớp chi dưới: Bàn chân, cổ chân, cẳng chân, khớp gối, xương đùi, khớp háng, khung chậu.

- Xương khớp chi trên: Bàn tay, cổ tay, cẳng tay, khuỷu tay, cánh tay, xương bả vai, xương đòn.

- Lồng ngực: Tim, phổi, xương sườn, khớp ức đòn, xương ức.

- Hệ tiêu hóa: Thực quản, dạ dày – tá tràng, ruột non, đại tràng, đường mật – túi mật

- Hệ tiết niệu: Thận, niệu quản, bàng quang. 

- Hệ sinh dục: Buồng tử cung – vòi trứng, tuyến vú (chụp nhũ ảnh).

- Cột sống: Cột sống cổ, ngực, thắt lưng, xương cùng.

- Xương sọ mặt: Sọ, xoang, nền sọ, hố mắt, xương gò má, xương chũm, tai xương chũm, mỏm châm, xương chính mũi, hàm dưới, răng.

3. Ưu điểm và hạn chế của chụp X-quang

a. Ưu điểm của chụp X-quang:

- Không xâm lấn, không đau.

- Kỹ thuật đơn giản, dễ sử dụng.

- Sử dụng liều bức xạ thấp hơn chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).

- Quá trình chụp nhanh chóng. Các kỹ thuật X-quang vi tính hóa đã giúp xử lý và cho ra kết quả nhanh chóng, lưu trữ dễ dàng.

- Chi phí thấp hơn so với các phương pháp khác như CT hay MRI.

b. Hạn chế của chụp X-quang:

- Hình ảnh X-quang không chi tiết, rõ nét bằng CT và MRI.

- Không cung cấp hình ảnh 3D.

- Chụp X-quang thông thường không hiển thị tốt hình ảnh các mô và cơ quan, cần sử dụng chất cản quang khi muốn chụp các vùng như đường tiêu hóa, buồng tử cung – vòi trứng… 

4. Khi nào cần chụp X-quang?

X-quang là một trong những loại chẩn đoán hình ảnh được chỉ định thường xuyên, thường là bước đầu tiên để xác định chẩn đoán hay lựa chọn điều trị. Nhưng chỉ định chụp X-quang sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng, triệu chứng và mục đích.

X-quang thường được chỉ định để:

- Xác định nguyên nhân gây đau hoặc sưng.

- Kiểm tra chấn thương hoặc sự phục hồi của xương.

- Phát hiện nhiễm trùng hay các tình trạng ảnh hưởng đến phổi.

- Phát hiện tắc nghẽn đường ruột, sỏi đường mật, sỏi đường tiết niệu hoặc các vật thể lạ bên trong cơ thể.

Chụp X-quang rất tốt để quan sát xương, nhưng không cho thấy rõ hình ảnh về sụn, cơ, gân hay dây chằng. Do đó, trong một số trường hợp chấn thương, bác sĩ có thể không yêu cầu chụp X-quang mà sử dụng kỹ thuật khác, hoặc kết hợp nhiều kỹ thuật với nhau.

5. Quy trình chụp X-quang

 
Chụp X-quang nhanh và dễ thực hiện

Chụp X-quang thông thường không cần chuẩn bị gì. Trong các trường hợp chụp X-quang cản quang, bệnh nhân được sử dụng thuốc cản quang qua đường uống hay tiêm. Nếu chụp X-quang đường tiêu hóa, bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi làm kỹ thuật này.

Dưới đây là quy trình chụp X-quang ngực thông thường:

- Thay đồ phòng khám cung cấp.

- Cởi trang sức, vật dụng trên cơ thể, bao gồm áo ngực.

- Đứng trước máy chụp theo tư thế yêu cầu (tùy vị trí chụp, bệnh nhân cần đứng, ngồi hay nằm).

- Trong quá trình chụp cần giữ nguyên tư thế và làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên (hít vào, nín thở hay thở ra).

- Sau khi đã thu được hình ảnh, quá trình X-quang kết thúc.

Từ kết quả X-quang, Bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu, CT, MRI…

6. Chụp X-quang có ảnh hưởng gì không?

Trên thực tế, bức xạ luôn tồn tại ở trong tự nhiên từ các nguồn như: mặt trời, các nguyên tố phóng xạ trong mặt đất, phóng xạ thâm nhập trong cây cối và động vật, khí phóng xạ trong các tòa nhà (radon, thoron)…

Bức xạ tia X ảnh hưởng đến tình trạng sinh lý và có thể phá hủy tế bào trong cơ thể động vật. Nhiễm xạ một liều quá cao và liên tục có thể gây ra: Cháy da, xương chậm phát triển, thiếu máu, hiếm muộn, tổn thương hệ miễn dịch, tiêu hóa kém, rối loạn tâm sinh lý, ảnh hưởng hệ thần kinh, ung thư, dị tật thai nhi.

Tế bào càng sinh sản nhanh, mạnh thì càng dễ bị phá hủy bởi tia X. Do đó, tia X được ứng dụng để điều trị ung thư – tổ chức tế bào có tính chất tăng sinh nhanh, mạnh.
Vì các mô, tế bào có mức cảm thụ tia X khác nhau mà ứng dụng của tia X vào chẩn đoán và điều trị bệnh cũng cần sử dụng một liều phù hợp.

Chụp X-quang tiếp xúc với tia X liều thấp trong một thời gian ngắn, từ 0,001 – 1,5mSv (đơn vị đo liều bức xạ) tùy vị trí. Mặc dù liều bức xạ X-quang trong 1 lần chiếu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng rủi ro do phơi nhiễm bức xạ gia tăng cùng số lần tiếp xúc trong suốt cuộc đời.

Nguy cơ phát triển ung thư do tiếp xúc bức xạ X-quang nói chung là rất nhỏ, nó phụ thuộc vào: Liều bức xạ, số lần tiếp xúc, tuổi, giới tính và vùng cơ thể. 

Mặc dù X-quang không có nhiều nguy cơ đối với sự phát triển của thai nhi, nhưng phụ nữ đang có thai không nên tiếp xúc với tia X trong suốt thời kỳ mang thai, đặc biệt là vùng bụng – chậu. Nguy cơ này tùy thuộc vào giai đoạn thai kỳ và loại tia X. Phụ nữ mang thai có thể thực hiện các kỹ thuật khác như siêu âm hay chụp cộng hưởng từ. Và trong trường hợp bắt buộc phải dùng đến X-quang thì cần sử dụng các biện pháp bảo vệ.

Một số ít người có thể gặp phản ứng với chất cản quang khi chụp X-quang như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi; sưng, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Thông thường, các triệu chứng này sẽ hết hẳn sau đó vài giờ. Nếu gặp các phản ứng nghiêm trọng hơn, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế.

Nhìn chung, các lợi ích của chụp X-quang trong chẩn đoán và điều trị bệnh vượt xa nguy cơ của nó. Việc lo sợ rủi ro từ bức xạ tia X có thể dẫn đến không phát hiện được bệnh, chẩn đoán bệnh trễ, từ đó giảm khả năng điều trị và tăng thời gian, chi phí điều trị. 

Để giảm nguy cơ từ bức xạ X-quang cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ có cân nhắc về mức độ cần thiết, liều lượng thích hợp, tần suất chụp, cũng như kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau.