CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH (CT) LÀ GÌ?

1. Chụp cắt lớp vi tính (CT) là gì?

Chụp cắt lớp vi tính (computerized tomography) hay chụp CT, CT Scan là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh lát cắt ngang các vị trí trong cơ thể. Hình ảnh trên máy tính có thể dưới dạng 2D hoặc 3D. Hình ảnh chụp bằng CT chi tiết hơn nhiều so với chụp X-quang thông thường.

CT scan có thể chụp được gần như tất cả các bộ phận của cơ thể như sọ não, đầu, vai, cột sống, phổi, lồng ngực, ổ bụng, vùng chậu, xương khớp. CT đặc biệt có ích khi kiểm tra khối u, nhiễm trùng, cục máu đông và tình trạng chảy máu trong.


Máy chụp cắt lớp vi tính (CT)

2. Mục đích chụp cắt lớp vi tính (CT)?

CT Scan được ứng dụng rộng rãi và có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực y tế, dùng để chẩn đoán chấn thương hoặc bệnh lý, hỗ trợ điều trị và theo dõi bệnh. CT có thể được sử dụng để:

- Phát hiện ung thư, hỗ trợ lập kế hoạch điều trị và theo dõi quá trình điều trị ung thư theo các giai đoạn.

- Kiểm tra chấn thương bên trong đầu, hệ thống xương và cơ quan nội tạng; tình trạng chảy máu trong do tai nạn hoặc nguyên nhân khác.

- Xác định vị trí và nguyên nhân nhiễm trùng.

- Xác định vị trí cục máu đông dẫn đến đột quỵ, xuất huyết hoặc các tình trạng khác.

- Chụp chẩn đoán các vấn đề mạch máu và tim như bệnh động mạch vành, chứng phình động mạch.

- Chẩn đoán các rối loạn cơ xương như loãng xương, u xương, gãy xương.

- Phát hiện và theo dõi các bệnh lý phổi như viêm phổi, khí phế thủng, tắc mạch phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi, u phổi.

- Kiểm tra tình trạng sỏi thận và bàng quang.

- Phát hiện chức năng não bất thường, suy giảm nhận thức hoặc nguyên nhân gây suy giảm nhận thức.

CT cùng với X-quang là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán hình ảnh ngực. CT cũng được sử dụng để hỗ trợ quá trình sinh thiết, xạ trị và phẫu thuật, ví dụ như các ca phẫu thuật phức tạp ở não và cột sống, cấy ghép tạng…

3. Ưu nhược điểm của chụp cắt lớp vi tính (CT)?

a. Ưu điểm của chụp cắt lớp vi tính (CT)

- CT không đau, không xâm lấn, chụp được gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.

- Cung cấp hình ảnh chi tiết, sắc nét, đặc biệt là hình ảnh về phần cứng như xương, sọ não mà các phương pháp khác như siêu âm hay X-quang không thể làm được.

- Chụp CT nhanh, thích hợp cho các trường hợp y tế khẩn cấp hơn so với MRI.

- Chụp CT có thể áp dụng cho những bệnh nhân có cấy ghép kim loại trong cơ thể (MRI chống chỉ định với một vài trường hợp ví dụ đặt máy tạo nhịp).

b. Nhược điểm của chụp cắt lớp vi tính (CT)

- Một số tổn thương có kích thước nhỏ hoặc các tổn thương ở vị trí khuất khó thấy rõ trên hình ảnh CT, cần chụp MRI để tăng độ chính xác.

- CT sử dụng bức xạ liều thấp, rủi ro do phơi nhiễm bức xạ gia tăng cùng số lần tiếp xúc trong suốt cuộc đời. Nhưng nhìn chung nguy cơ phát triển ung thư do tiếp xúc với bức xạ là nhỏ. Bên cạnh đó, rủi ro do các bệnh lý như ung thư hoặc chấn thương nghiêm trọng không được chẩn đoán nguy hiểm hơn nhiều so với việc chụp CT.

4. Quy trình chụp cắt lớp vi tính (CT)

 
Máy chụp CT 128 lát cắt được sử dụng tại Phòng khám BVĐH Y Dược 1

Người bệnh cung cấp thông tin tiền sử dị ứng thuốc cản quang hoặc chất khác; bệnh lý nền như hen suyễn, tuyến giáp, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận; từng ghép tạng; có đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.

Người bệnh thay trang phục thuận tiện; tháo trang sức, phụ kiện và các vật bằng kim loại để tránh cản trở quy trình chụp.

Tùy vào trường hợp mà Bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thêm thuốc cản quang tiêm qua đường tĩnh mạch (IV) ở khuỷu tay hoặc bàn tay.

Người bệnh nằm lên bàn trượt của máy CT, buộc đai, giơ cao tay lên đầu, giữ yên cơ thể và làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Quá trình chụp diễn ra trong 5-15 phút tùy vào vị trí chụp.

Sau khi chụp CT xong, người bệnh có thể hoạt động bình thường ngay. 

Từ hình ảnh chụp CT, Bác sĩ sẽ đọc kết quả và đưa ra chẩn đoán, hướng điều trị tiếp theo hoặc yêu cầu làm thêm xét nghiệm nếu phát hiện bất thường.

5. Lưu ý khi chụp cắt lớp vi tính (CT)

CT bụng thường yêu cầu nhịn ăn trước khi chụp 4-6 giờ để đảm bảo hình ảnh đường tiêu hóa rõ ràng. CT thận tiết niệu hoặc bàng quang cần nhịn tiểu.

Các loại mô mềm khác nhau có thể khó phân biệt trên CT nên cần sử dụng chất cản quang để nâng cao hiệu quả chẩn đoán hình ảnh. Cần nhịn ăn 4-6 giờ trước khi chụp CT có cản quang. Chất cản quang an toàn nhưng một số người có thể bị phản ứng dị ứng mặc dù hiếm.

Sốc phản vệ với chất cản quang có thể dẫn đến các triệu chứng: đau đầu, hắt hơi, buồn nôn, nôn, lú lẫn, suy nhược, đổ mồ hôi, căng thẳng, khó thở, khó chịu vùng thượng vị, chảy nước mắt, ngứa mắt, nổi mề đay, đỏ da, da nhợt nhạt. Nếu bệnh nhân từng có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang thì cần thông báo với Bác sĩ. Hoặc gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình chụp CT cũng cần thông báo cho kỹ thuật viên ngay lập tức.

Trong vài trường hợp hiếm gặp, thuốc cản quang cũng có thể gây tổn thương thận, nhưng chủ yếu là ở bệnh nhân tiểu đường và bệnh nhân bệnh thận. Bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân sàng lọc trước khi sử dụng thuốc cản quang.

Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai được khuyến cáo không nên chụp CT vùng bụng hoặc xương chậu trừ khi yếu tố lợi ích cao hơn nguy cơ. Thực tế thì mức độ phơi nhiễm bức xạ trong CT được cho là thấp để gây hại cho thai nhi. Nhưng Bác sĩ có thể giảm liều bức xạ hoặc chỉ định sử dụng một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nếu có thể.

Ở trẻ em, bởi vì tuổi đời còn trẻ nên chụp CT làm tăng lượng tiếp xúc bức xạ suốt đời. Hiện nay, máy quét CT mới đã có tính năng cài đặt liều bức xạ thấp hơn phù hợp theo độ tuổi của trẻ.

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 sử dụng máy chụp CT Scanner 128 lát cắt – GE (Mỹ) tốc độ quét cao, rút ngắn thời gian chụp; lát cắt mỏng tái tạo hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều rõ nét, dễ đọc; là công cụ hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.