CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH TIM MẠCH CÓ THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC


1. Yếu tố nguy cơ tim mạch là gì?

Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố liên quan đến sự gia tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Hầu hết các bệnh tim mạch là do xơ vữa động mạch. Do đó, yếu tố nguy cơ tim mạch thường là các tình trạng liên quan đến sự hình thành và phát triển của xơ vữa động mạch.

Một người có thể có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch. Các yếu tố nguy cơ này thường phát triển cùng nhau hoặc một yếu tố xuất hiện trước kéo theo các yếu tố khác cùng phát triển. Một người có càng yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim mạch càng cao.

Tuy nhiên, không phải ai có yếu tố nguy cơ cũng chắc chắn bị bệnh tim mạch. Điều này còn phụ thuộc vào việc nhận ra sớm yếu tố nguy cơ để theo dõi kiểm soát và điều chỉnh hành vi lối sống phù hợp. 


Phòng ngừa các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch

Theo WHO ước tính có khoảng 170.000 người Việt Nam chết vì bệnh tim mạch trong năm 2019, chiếm 31% tổng số ca tử vong trên cả nước. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ thể thay đổi được và không thể thay đổi được của bệnh tim mạch. Việc phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố này giúp giảm nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch. 

2. Yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được

a) Tăng huyết áp

Tăng huyết áp từ lâu đã trở thành một yếu tố nguy cơ chính làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó thường không có triệu chứng. Tăng huyết áp làm tăng áp lực của dòng máu lên thành động mạch, thúc đẩy hình thành xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này tích tụ dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.

Tăng huyết áp thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như béo phì, tăng cholesterol và đái tháo đường.

Việc điều trị và kiểm soát tốt huyết áp giúp làm giảm đáng kể nguy cơ biến cố tim mạch. Ngoài việc sử dụng thuốc thì thay đổi lối sống như không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia, giữ cân nặng hợp lý, giảm căng thẳng, tập thể dục… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị tăng huyết áp. Cách để biết bạn có bị tăng huyết áp không là đo huyết áp. Mức huyết áp cần đạt < 240/90mmHg.

b) Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu)

Mỡ máu (lipid máu) là một thành phần quan trọng của cơ thể. Nhưng khi xảy ra rối loạn mỡ máu sẽ dẫn đến bệnh lý mà đặc trưng là xơ vữa động mạch. Theo WHO, cholesterol tăng cao đã gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong.

Cholesterol có 3 thành phần cơ bản là:

- LDL-Cholesterol: Đây là loại cholesterol xấu, khi tăng nhiều trong máu sẽ dẫn đến lắng đọng ở thành mạch máu và gây nên mảng xơ vữa động mạch.

- HDL-Cholesterol: Đây là loại cholesterol tốt, chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng số cholesterol trong máu. Nó vận chuyển cholesterol ra khỏi máu làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Khi nồng độ HDL trong máu thấp thì nguy cơ bệnh tim mạch tăng.

- Triglycerides: Khi lượng triglycerides trong máu tăng cao thường kèm theo tăng LDL và giảm HDL, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các yếu tố làm tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (loại tốt) là giống nhau: hút thuốc lá, lười vận động, béo phì, chế độ ăn nhiều mỡ động vật và ít rau xanh… Do đó để hạn chế nguy cơ rối loạn mỡ máu cần thay đổi những thói quen không tốt này.

Theo khuyến cáo của bác sĩ thì tất cả những người trên 20 tuổi nên xét nghiệm định kỳ các thành phần cơ bản của lipid máu. Sau 40 tuổi nên làm thường xuyên hơn. Trong đó, mức cholesterol cần đạt là:

- Mức cholesterol toàn phần < 5,2 mmol/L (201,1 mg/dL)

- Mức LDL-Cholesterol < 3,2 mmol/L (123,7 mg/dL)

- Mức HDL-Cholesterol > 1,3 mmol/L (50,3mg/dL)

- Mức triglycerid < 1,7 mmol/L (150,6 mg/dL)

c) Đái tháo đường (tiểu đường) và rối loạn dung nạp đường

Đái tháo đường và rối loạn dung nạp đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nó cũng làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch máu.

Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2-4 lần so với người khỏe mạnh. Tương tự, người bị đái tháo đường có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2,5 lần ở nam giới và 2,4 lần ở nữ giới.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, giữ cân nặng hợp lý kết hợp với tập luyện có thể hạn chế nguy cơ xuất hiện đái tháo đường. Những người bị đái tháo đường ngoài dùng thuốc thì thay đổi lối sống tích cực là rất quan trọng để không chế tốt đường huyết và hạn chế nguy cơ bệnh tim mạch.

d) Thừa cân béo phì

Người bị thừa cân/béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch và nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu – những yếu tố tiền đề cho xơ vữa động mạch.

Mức chỉ số cơ thể cần đạt là:

- Chỉ số khối cơ thể BMI = (cân nặng)/(chiều cao)2 nằm trong khoảng 18,5 - 22,9 (đối với người châu Á).

- Vòng bụng tốt nhất ở nam là nhỏ hơn 90cm, ở nữ nhỏ hơn 75cm.

e) Hút thuốc 

Các chất độc hại trong thuốc lá gây ra rất nhiều bệnh lý, đặc biệt là ung thư phổi. Hút thuốc lá, thuốc lào và các loại thuốc lá điện tử còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ và mạch máu ngoại vi. 

Thuốc lá càng nguy hiểm hơn ở người bị cao huyết áp, tiểu đường hay rối loạn mỡ máu. Hút thuốc lá làm tăng 51% nguy cơ bệnh tim mạch vành ở bệnh nhân tiểu đường. Những người không hút thuốc nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đừng hút thuốc lá, thuốc lào và cả thuốc lá điện tử nếu bạn chưa hút. Và hãy bỏ thuốc lá ngay nếu bạn đang sử dụng chúng. 

f) Lười vận động

Tập thể dục đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn ngừa sự phát triển của các yếu tố nguy cơ tim mạch. Tập luyện cũng có tác động tích cực đến các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như ổn định huyết áp, tăng nồng độ HDL-Cholesterol, tăng khả năng dung nạp đường, giảm cân, giảm căng thẳng… 

Ngược lại, ít hoạt động thể lực làm tăng khả năng bị bệnh tăng huyết áp, động mạch vành và nhồi máu cơ tim. 

Theo khuyến cáo thì mỗi người nên tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, tập đủ cường độ (thở hơi nhanh, đổ mồ hôi vừa) và trong khả năng gắng sức của cơ thể.

3. Các yếu tố nguy cơ tim mạch không thể thay đổi được


Người lớn tuổi có nguy cơ tim mạch

a) Tuổi

Nguy cơ bệnh tim mạch tăng lên cùng tuổi tác. Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tăng sau 35 tuổi ở cả nam và nữ. Nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.

Tuổi tác là yếu tố không thể thay đổi được. Nhưng bạn có thể làm chậm quá trình thoái hóa do tuổi tác và nâng cao sức khỏe tuổi già bằng cách có chế độ sinh hoạt, ăn uống và rèn luyện hợp lý ngay khi còn trẻ.

b) Giới tính

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới. Nhưng nữ giới sau mạn kinh cũng có nguy cơ bệnh tim mạch tương đương nam giới. Tuy nhiên nữ giới có tỷ lệ tử vong cao hơn nam giới, một phần do sự chủ quan.

c) Di truyền

Yếu tố gia đình là một yếu tố nguy cơ đáng kể. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim sớm (dưới 50 tuổi) thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên.

Nhìn chung thì bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, thừa cân béo phì… Nên điều quan trọng là ngay khi còn khỏe mạnh, bạn cần có lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn cân bằng, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và hạn chế căng thẳng. Việc kiểm soát yếu tố nguy cơ ngay khi vừa xuất hiện sẽ giúp giảm nguy cơ tim mạch và hạn chế phát triển các yếu tố nguy cơ đồng mắc khác.