Thoát vị là bệnh lý phổ biến, khi một phần của cơ quan nội tạng hoặc mô sưng phồng lên xuyên qua một điểm yếu của thành bụng. Thoát vị bẹn xảy ra khi các cơ quan nội tạng từ bụng phình lên, xuyên qua thành bụng dưới vào vùng bẹn hoặc háng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản và phương pháp điều trị thoát vị bẹn.
Thoát vị bẹn ở háng
1. Thoát vị là gì? Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị là bệnh lý phổ biến, khi một phần của cơ quan nội tạng hoặc mô sưng phồng lên xuyên qua một điểm yếu của thành bụng. Thoát vị có thể xảy ra xung quanh rốn từ một vết sẹo phẫu thuật, trong cơ hoành hoặc ở háng (khu vực giữa bụng và hai bên đùi).
Thoát vị bẹn xảy ra khi các cơ quan nội tạng từ bụng phình lên, xuyên qua thành bụng dưới vào vùng bẹn hoặc háng. Có hai loại thoát vị bẹn là:
- Thoát vị bẹn gián tiếp: Loại thoát vị này gây ra bởi một khuyết tật bẩm sinh trong thành bụng.
- Thoát vị bẹn trực tiếp: Loại thoát vị này thường xảy ra ở nam giới trưởng thành. Bệnh thường xảy ra do các cơ thành bụng suy yếu theo tuổi tác, do tăng áp lực hoặc nâng vật nặng.
Thoát vị có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên bẹn. Thoát vị bẹn gián tiếp phổ biến hơn, nguy cơ tăng theo độ tuổi bởi vì thành bụng sẽ yếu đi do tuổi tác.
Thoát vị bẹn thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh có thể gây đau, nhất là khi nhấc vật nặng, cúi xuống, gắng sức khi đại tiện hoặc ho. Do đó, thoát vị bẹn cần phải điều trị để hạn chế biến chứng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị để chữa khỏi.
2. Những ai dễ mắc bệnh thoát vị bẹn?
Thoát vị bẹn trực tiếp xảy ra chủ yếu ở nam giới trưởng thành, trên 40 tuổi. Nguy cơ ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới. Khoảng 25% nam giới và chỉ có 2% nữ giới mắc bệnh thoát vị bẹn trong đời.
Thoát vị bẹn gián tiếp xảy ra ở khoảng 4,5% trẻ em, trong đó có 2% trẻ sơ sinh nam và 1% trẻ sơ sinh nữ. Trẻ sinh non có nguy cơ thoát vị bẹn cao hơn 30%.
Dưới đây là các yếu tố nguy cơ của thoát vị bẹn:
- Là nam giới
- Lớn tuổi
- Tiền sử gia đình có người bị thoát vị bẹn
- Ho mạn tính (vd: do hút thuốc lá)
- Đã phẫu thuật bụng trước đó
- Táo bón mạn tính
- Mang thai
Nam giới dễ mắc thoát vị bẹn
3. Triệu chứng của bệnh thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn có thể không đau hoặc không gây ra triệu chứng, nhất là khi xuất hiện lần đầu tiên. Các triệu chứng xuất hiện khi bệnh tiến triển bao gồm:
- Một chỗ phình lên ở một hoặc hai bên háng, biến mất khi nằm xuống
- Đau ở háng, nhất là khi nâng vật nặng, ho hoặc tập thể dục
- Cảm thấy yếu, nặng, căng tức hoặc nóng rát ở háng
- Sưng bìu (ở nam giới) hoặc vùng mu (ở nữ giới)
4. Khi nào cần đi khám?
Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ thoát vị bẹn thì bạn nên đi khám. Bởi vì nếu không được điều trị, thoát vị bẹn có thể trở nên rất nghiêm trọng. Nhất là trong trường hợp bị thoát vị kẹt hoặc thoát vị nghẹt. Tuy rất hiếm gặp nhưng các biến chứng này đều là tình trạng nghiêm trọng cần điều trị ngay, nếu không sẽ dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc, sốc.
- Thoát vị kẹt: Xảy ra khi nội tạng từ bên trong bụng bị kẹt ở háng hoặc bìu và không thể quay trở lại vào bụng.
- Thoát vị nghẹt: Tình trạng nghẹt có thể xảy ra khi thoát vị kẹt không được điều trị. Lượng máu cung cấp đến ruột có thể bị ngưng, gây “nghẹt” ruột. Đây là trường hợp nghiêm trọng cần chăm sóc y tế ngay lập tức.
5. Bệnh thoát vị bẹn được chẩn đoán như thế nào?
Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi thăm tiền sử gia đình, kiểm tra vị trí thoát vị phình ra. Bạn có thể được yêu cầu ho hoặc rặn để xem thoát vị có thoát ra không. Thông thường, khám lâm sàng đã đủ để chẩn đoán thoát vị bẹn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm, chụp X-quang bụng hoặc CT để tìm thoát vị và xác định xem có phải là thoát vị kẹt hoặc thoát vị nghẹt hay không.
Có nhiều cách để chẩn đoán thoát vị bẹn
6. Thoát vị bẹn có cần phải phẫu thuật không?
Một số ít trường hợp thoát vị nhỏ, không có khả năng bị thắt nghẹt, bác sĩ có thể đẩy thoát vị bẹn trở lại vào bụng bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng. Sau đó chỉ cần theo dõi tích cực mà không cần phải phẫu thuật. Nếu cách này không hiệu quả thì cần phẫu thuật.
Nhưng nhìn chung, thoát vị bẹn không tự hồi phục hoặc mất đi, chỉ có phẫu thuật mới là phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn thoát vị bẹn.
7. Phẫu thuật sửa chữa thoát vị bẹn bằng cách nào?
Sửa chữa thoát vị bẹn là một phẫu thuật phổ biến. Có ba loại phẫu thuật sửa chữa thoát vị bẹn:
- Phẫu thuật thoát vị mở: phẫu thuật này thực hiện một đường rạch hoặc vết cắt ở háng. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật đẩy thoát vị trở lại vào bụng và tái tạo thành bụng bằng lưới và các đường khâu. Phẫu thuật này có thể thực hiện bằng cách gây tê cục bộ vùng bụng hoặc gây mê toàn thân.
- Phẫu thuật thoát vị nội soi: Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ phẫu thuật thực hiện vết cắt nhỏ (1,27cm) ở bụng dưới và đặt một ống nội soi (một ống nhỏ có gắn máy quay nhỏ xíu). Thông qua hình ảnh thu được từ ống nội soi, bác sĩ tiến hành sửa chữa thoát vị qua các đường rạch nhỏ.
- Phẫu thuật thoát vị ứng dụng rô-bốt: Giống như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật ứng dụng rô-bốt sử dụng nội soi và thực hiện theo cách tương tự. Phẫu thuật ứng dụng rô-bốt khác với phẫu thuật nội soi ở chỗ là bác sĩ phẫu thuật ngồi ở bàn điều khiển trong phòng mổ, và thao tác các dụng cụ phẫu thuật từ bàn điều khiến.
Ứng dụng rô-bốt trong phẫu thuật thoát vị bẹn
8. Phẫu thuật thoát vị bẹn có rủi ro gì?
Những nguy cơ phẫu thuật thoát vị bẹn bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Chảy máu
- Không thể giảm đau bằng thuốc
Hiếm khi có những biến chứng về lâu dài, nhưng có thể bao gồm tổn hại thần kinh hoặc thoát vị tái phát, cần phẫu thuật lần thứ hai.
9. Sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn bao lâu có thể sinh hoạt bình thường ?
Phẫu thuật nội soi có thời gian phục hồi ngắn hơn. Tuy nhiên với các thoát vị lớn hoặc những người đã phẫu thuật bụng trước đó thì cần phẫu thuật mở.
Thông thường, vài ngày cho đến 1 tuần sau khi phẫu thuật bạn có thể sinh hoạt bình thường. Nhưng ít nhất một tháng sau đó, không thể nâng vật nặng hoặc tham gia các hoạt động gắng sức. Nếu khi thành bụng chưa lành mà phải chịu áp lực mạnh thì thoát vị bẹn có thể tái phát.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có thời gian phục hồi sau phẫu thuật thoát vị bẹn nhanh hơn người lớn.
10. Thoát vị bẹn có khả năng tái phát sau phẫu thuật không?
Nói chung, bệnh nhân đã phẫu thuật thoát vị bẹn nếu sinh hoạt ổn định thì ít khi tái phát. Nhưng dù phẫu thuật mở hay nội soi thì thoát vị bẹn vẫn có một tỷ lệ tái phát nhất định, chủ yếu là do các yếu tố góp phần gây ra thoát vị bẹn vẫn còn. Do đó, sau khi phẫu thuật, bác sĩ thường khuyên bạn nên duy trì cân nặng lành mạnh, tránh nâng vật nặng, tránh rặn khi đi cầu, hạn chế gắng sức. Những điều này có thể giúp ngăn ngừa thoát vị bẹn tái phát.