BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD): NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH ĐIỀU TRỊ

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong trên toàn thế giới. Hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường là những nguyên nhân chính gây COPD. COPD có thể phòng ngừa được và mặc dù chưa thể chữa khỏi, nhưng việc điều trị sớm COPD có thể giúp phục hồi và cải thiện cuộc sống cho người bệnh.

 


COPD là bệnh hô hấp mạn tính

1. Bệnh COPD là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease - COPD) là bệnh hô hấp gây hạn chế luồng khí thở và các vấn đề hô hấp như ho, thở khò khè, khó thở, tức ngực, tắc đàm và mệt mỏi. 

COPD bao gồm 2 tình trạng là:

- Khí phế thũng: Là tình trạng các túi khí (phế nang) trong phổi bị tổn thương. Thông thường, khi bạn hít vào, không khí sẽ tràn đầy các túi khí này làm nó phồng lên; khi thở ra, các túi này xẹp xuống và đẩy không khí thoát ra ngoài. Khi các phế nang bị tổn thương, nó sẽ giảm đàn hồi. Phế nang không co giãn sẽ khiến không khí không thể đẩy hết ra hoàn toàn mà mắc kẹt trong phế nang - tình trạng này gọi là bẫy khí.

- Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng viêm mạn tính của phế quản (đường dẫn khí) khiến phế quản sưng, hẹp lại và giới hạn luồng thông khí, tạo điều kiện cho đàm tích tụ gây khó thở.

Hầu hết những người bị COPD đều có cả hai tình trạng phế nang không co giãn và hẹp đường dẫn khí, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của mỗi tình trạng này khác nhau ở mỗi người.

 
Khí phế thủng và viêm phế quản mạn tính trong bệnh COPD

2. Nguyên nhân của bệnh COPD

Các nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là:

- Khói thuốc lá: Là nguyên nhân phổ biến nhất gây COPD. Ở các nước phát triển hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 70% số ca COPD. Ở các nước đang phát triển, hút thuốc lá chiếm 30-40% ca COPD.

- Ô nhiễm không khí: Ở các nước đang phát triển, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính.

- Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin (ATT): Đây là một tình trạng di truyền hiếm gặp cũng có thể gây bệnh COPD.

3. Đối tượng có nguy cơ bị bệnh COPD

COPD là bệnh rất phổ biến trong nhóm bệnh hô hấp mạn tính – nhóm nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn thế giới. 

Các đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn:

- Người trên 40 tuổi.

- Người hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà, thuốc lá điện tử...

- Người làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi vô cơ và hữu cơ, khói, hơi, khí độc như: bụi và khói cadmium, hạt và bụi bột, bụi silica, khói hàn, isocyanates, bụi than...

- Người tiếp xúc bụi khói do đốt cháy nguyên liệu sinh khối hoặc than để sưởi ấm, nấu nướng.

- Người bị hen suyễn (hen phế quản), viêm phế quản co thắt.

- Các bệnh ảnh hưởng đến phổi ở bào thai hoặc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

- Các bệnh như HIV, bệnh lao có thể làm tăng nguy cơ.

 
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây COPD

4. Triệu chứng của bệnh COPD

Triệu chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là:

- Ho thường triệu chứng đầu tiên, ban đầu ho ngắt quãng, bệnh nặng gây ho liên tục, ho hàng ngày. Ho có nhiều đàm, nhất là buổi sáng.

- Khó thở, ban đầu khó thở khi gắng sức, bệnh nặng gây khó thở cả trong hoạt động hàng ngày và khi nghỉ ngơi.

- Thở khò khè.

- Tức ngực, cảm giác có sức ép ở ngực, khó thở sâu hoặc đau khi thở.

- Mệt mỏi do giảm lượng oxy trong máu.

Bệnh COPD nặng có thể gây giảm cân không giải thích được, sưng mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân, chán ăn, rối loạn lo âu, trầm cảm.

COPD khiến phổi bị suy yếu, vì vậy người bị COPD dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, covid-19, viêm phổi.

Không phải ai bị COPD cũng có tất cả các triệu chứng trên. Và không phải ai có các triệu chứng trên cũng kết luận bị COPD, vì nó có thể giống với triệu chứng của một số bệnh khác, ví dụ suy tim, hen suyễn hoặc viêm phế quản co thắt. 

 
COPD gây khó thở nhất là khi gắng sức

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm. 
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cho bạn thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chức năng hoặc hình ảnh học để chẩn đoán COPD. 

Một số tác nhân như hút thuốc lá, không khí ô nhiễm, cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm phổi có thể khiến cho các triệu chứng COPD đột ngột xấu đi. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn gặp tình trạng sau:

- Khó thở nghiêm trọng, ho nhiều hơn

- Đàm đổi màu hoặc ra nhiều đàm hơn

- Sốt

- Môi, móng tay chuyển sang màu xanh hoặc tím

- Nhịp tim nhanh.

- Tinh thần mất tỉnh táo

6. Cách điều trị bệnh COPD

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bạn.

Việc điều trị COPD có thể bao gồm các biện pháp sau:

- Thay đổi lối sống: Bỏ hút thuốc, ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, tập các bài tăng cường chức năng phổi, tiêm vaccine phòng bệnh cúm, phế cầu, Covid-19.

- Sử dụng thuốc: Nền tảng điều trị là thuốc giãn phế quản, hoặc có thể kết hợp thêm steroid để giảm viêm đường thở trong trường hợp cần thiết.

- Liệu pháp oxy (ống thông, mặt nạ hoặc đặt ống nội khí quản): Để cung cấp oxy cho cơ thể, được thực hiện tại nhà hoặc trong bệnh viện.

- Phẫu thuật: Được thực hiện trong một số trường hợp COPD nghiêm trọng không cải thiện sau khi dùng thuốc.

- Ghép phổi: Là biện pháp sau cùng để cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người mắc bệnh COPD.

Hiện nay, chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh COPD. Tuy nhiên, thay đổi lối sống và áp dụng các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh COPD cảm thấy tốt hơn, năng động hơn và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

 
Liệu pháp oxy trong điều trị COPD

7. Cách phòng ngừa COPD

Bệnh COPD có thể phòng ngừa được bằng cách:

- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc. Nếu việc cai thuốc quá khó khăn với bạn, hãy nhờ gia đình bạn bè giúp đỡ, hoặc liên hệ các cơ sở hỗ trợ cai thuốc lá.

- Tránh ô nhiễm không khí ngoài trời, khói, bụi, hóa chất.

- Hạn chế phơi nhiễm nghề nghiệp, có dụng cụ bảo hộ lao động thích hợp.

- Hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà bằng cách dọn dẹp nhà cửa và vật dụng thường xuyên, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm.

- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động lành mạnh để tăng cường sức đề kháng.

- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

8. Các câu hỏi thường gặp về bệnh COPD

a. Tôi bị COPD, con tôi có thể bị COPD không?

COPD không phải bệnh lây truyền, bạn sẽ không di truyền nó cho con của mình. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp con cái có thể bị COPD khi bố mẹ bị COPD, thường liên quan đến việc thiếu hụt alpha-1 antitrypsin (ATT) trong gia đình. 

ATT là một protein được gan sản xuất giúp bảo vệ phổi trước các tác nhân như thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Thiếu ATT làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi như giãn phế quản hay COPD ở những người trên 30 tuổi. Nó cũng có thể gây ra bệnh gan ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

b. Điều gì xảy ra nếu tôi không điều trị COPD?

COPD là bệnh tiến triển chậm theo thời gian. Ban đầu bệnh chỉ gây khó thở khi gắng sức, nhưng dần dần, các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn và bệnh nhân có thể bị khó thở cả lúc nghỉ ngơi.

Ở giai đoạn muộn, COPD gây hạn chế khả năng thực hiện các công việc và hoạt động thường ngày như đi bộ, nấu ăn hay thậm chí là khả năng tự chăm sóc bản thân. 

Cùng với các bệnh đồng mắc như suy hô hấp cấp, viêm phổi, ung thư phổi, bệnh tim hoặc tắc mạch phổi, COPD làm tăng nguy cơ tàn phế và tử vong.

 
COPD làm tăng số lần nhập viện 

c. Bị COPD, tôi có thể có một cuộc sống bình thường không?

Nếu COPD được điều trị sớm và kiểm soát tốt, người bệnh hoàn toàn có thể có một cuộc sống năng động bình thường.
Quan trọng là người bệnh cần tránh xa bất cứ tác nhân nào có thể gây tổn thương phổi thêm hoặc gây bùng phát đợt cấp COPD. 

d. COPD có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

COPD là bệnh mạn tính, chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có nhiều cách điều trị để phục hồi và giảm nhẹ tác động của COPD đến cuộc sống.

Người bệnh COPD cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh nhằm điều chỉnh kế hoạch điều trị phù hợp, đảm bảo chức năng hô hấp, đồng thời theo dõi và điều trị các bệnh đồng mắc nếu có.

e. COPD và hen suyễn có giống nhau không?

Hen suyễn là tình trạng viêm phế quản mạn tính, khiến phế quản tăng phản ứng với các tác nhân kích thích (virus, ô nhiễm, khói thuốc, dị ứng, hóa chất, cảm xúc mạnh, thuốc, gắng sức, không khí lạnh...), gây ra triệu chứng ho, thở khò khè, khó thở, nặng ngực. 

Mặc dù có các triệu chứng giống COPD, nhưng hen suyễn và COPD là hai tình trạng khác nhau.

Tham khảo:
nhlbi.nih.gov/health/copd/symptoms