Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp mạn tính gây khó thở. Mặc dù COPD tiến triển theo thời gian, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị được. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về COPD.
COPD gây hẹp phế quản khiến người bệnh khó thở
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguy hiểm không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - gọi tắt COPD, đây là bệnh lý gây tắc nghẽn luồng khí thở và gây ra các vấn đề hô hấp. COPD bao gồm hai tình trạng là khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở người lớn tuổi, gặp ở cả nam và nữ. Khói thuốc lá là yếu tố chính gây khởi phát và tiến triển bệnh COPD. Ô nhiễm không khí trong nhà và nơi làm việc cũng là nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra, yếu tố di truyền và nhiễm trùng đường hô hấp cũng đóng một vai trò nào đó trong việc phát triển bệnh.
COPD là một bệnh lý nghiêm trọng khiến phổi suy yếu. Người bị COPD sẽ gặp các vấn đề:
- Hạn chế khả năng hoạt động như đi lại mệt nhọc, khó leo cầu thang...
- Không thể làm việc
- Tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
- Tăng khả năng phải nhập viện hoặc cấp cứu
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác: viêm khớp, suy tim sung huyết, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đột quỵ, hen suyễn...
- Rối loạn lo âu hoặc trầm cảm
COPD là bệnh mạn tính chưa có biện pháp điều trị dứt điểm nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát bệnh, đảm bảo các hoạt động hàng ngày. Nhưng ở một số người, COPD có thể tiến triển kể cả khi đã điều trị, cuối cùng ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và khả năng tự sinh hoạt của người bệnh, gây ra các tình huống đe dọa tính mạng.
Thuốc lá là nguyên nhân phổ biến gây COPD
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khiến bạn thở khó khăn hơn. Nhưng các triệu chứng của bệnh tiến triển chậm trong nhiều năm có thể khiến bạn không nhận ra mình mắc bệnh.
Các triệu chứng phổ biến của COPD bao gồm:
- Ho dai dẳng
- Thở khò khè
- Tăng tiết đờm
- Khó thở sâu
Các triệu chứng này tăng dần theo mức độ bệnh. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ ho ngắt quãng, cảm giác hụt hơi, thiếu không khí, khó thở xảy ra trong hoạt động gắng sức như tập thể dục, leo cầu thang hay làm việc nặng. Nhưng ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị ho liên tục, ho từ ngày này qua ngày khác, khó thở mọi lúc kể cả khi nghỉ ngơi.
Các triệu chứng ít gặp hơn của COPD, thường xảy ra khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng bao gồm:
- Giảm cân
- Mệt mỏi
- Mắt cá chân, chân phù nề
- Đau ngực
- Ho ra máu
Có những giai đoạn bệnh bùng phát khiến các triệu chứng đột ngột trở nên trầm trọng hơn. Nó thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi có tác nhân gây kích thích.
COPD thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi
3. Cách chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
a. Chẩn đoán bệnh COPD
Để chẩn đoán bệnh COPD, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, nghe phổi, hỏi tiền sử hút thuốc lá, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.
Sau đó, COPD có thể được chẩn đoán bằng phương pháp đo hô hấp ký để xem đường thở của bạn có bị tắc nghẽn hay không. Bên cạnh đó là các xét nghiệm khác như chụp X-quang, siêu âm tim, điện tâm đồ, chụp CT, xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm..., để đánh giá chức năng phổi và các bệnh đồng mắc.
b. Điều trị bệnh COPD
Hiện nay chưa có cách chữa khỏi COPD, nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và kiểm soát các triệu chứng.
Để điều trị COPD, trước tiên người bệnh cần bỏ thuốc lá và tránh xa các tác nhân kích thích phổi (khói thuốc, ô nhiễm không khí, phơi nhiễm nghề nghiệp). Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc rất quan trọng trong kiểm soát bệnh COPD.
COPD được điều trị bằng thuốc giãn phế quản là chính, có thể kết hợp thêm các thuốc khác để điều trị tình trạng viêm. Một số trường hợp có thể cần liệu pháp oxy bổ sung hoặc phẫu thuật.
Tùy vào tình trạng bệnh của bạn mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp.
Không hút thuốc lá để phòng ngừa và kiểm soát bệnh COPD
4. Cách phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Trừ các trường hợp do di truyền, bệnh COPD có thể phòng ngừa được bằng cách:
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc thụ động.
- Bảo vệ bản thân trước ô nhiễm không khí ngoài trời.
- Hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà.
- Có biện pháp bảo hộ lao động an toàn nếu làm việc trong môi trường ô nhiễm.
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, tập ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
- Ngủ đủ giấc 7-9 tiếng mỗi đêm tùy theo nhu cầu thực tế của cơ thể.
- Tiêm vaccine và có biện pháp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Khi mắc các bệnh này, cần nghỉ ngơi và điều trị dứt điểm.
- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra chức năng và các bệnh lý phổi.
Khám sức khỏe phổi định kỳ để phát hiện sớm bệnh COPD
5. Những lưu ý cho bệnh nhân COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống của bạn. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp giảm tác động của COPD:
- Tránh các tác nhân gây kích thích phổi như khói hóa chất, bụi, khói từ nhiên liệu nấu ăn, khói thuốc thụ động.
- Những ngày chất lượng không khí kém, hạn chế ra khỏi nhà và đóng cửa nhà để tránh ô nhiễm không khí và bụi bặm.
- Giữ ấm cơ thể trong những ngày nhiệt độ lạnh.
- Tập thể dục có thể tăng cường chức năng hô hấp nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Hãy chọn hoạt động phù hợp với sức khỏe của bản thân.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng.
- Sắp xếp đồ đạc trong nhà ngăn nắp và đặt ở những nơi bạn có thể dễ dàng lấy được.
- Mặc quần áo và đi giày thoải mái, dễ mặc và cởi ra.
- Tiêm phòng vaccine cúm, viêm phổi và covid-19 để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc giảm nhẹ triệu chứng của bệnh khi mắc phải.
- Luôn tuân thủ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ.
- Chắc chắn rằng kỹ thuật sử dụng ống hít của bạn đúng cách. Nếu bạn chưa biết cách sử dụng, hãy hỏi nhân viên y tế.
Người bị COPD cần học cách chấp nhận sống chung với bệnh. COPD có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như căng thẳng, rối loạn lo âu hay trầm cảm. Hãy nói chuyện với chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần kinh để có phương pháp điều trị phù hợp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
www.cdc.gov/copd/index