Bệnh ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ho gà, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên.

1. Bệnh ho gà có nguy hiểm không?
Bệnh ho gà (tên tiếng Anh là Whooping Cough) do vi khuẩn Bordetella Pertussis (vi khuẩn thuộc họ Bordetella) gây ra thành bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
Bệnh ho gà chủ yếu lây lan qua đường hô hấp. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp trên, chúng sẽ bám chặt vào lông mao và giải phóng độc tố gây sưng viêm ở khu vực này.
Vi khuẩn gây bệnh ho gà có sức đề kháng yếu, có thể tự chết trong khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, nhiệt độ hoặc thuốc sát khuẩn.

Bệnh ho gà có nguy hiểm không?
Theo Tổ chức Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới ghi nhận có khoảng 30 đến 50 triệu trường hợp mắc bệnh ho gà. Trong đó có đến 300.000 trường hợp tử vong, phần lớn là trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi.
2. Triệu chứng của bệnh ho gà
Theo Cục Y tế Dự phòng, dựa vào tiến triển bệnh, thứ tự xuất hiện các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, bệnh ho gà có thể được chia làm 4 giai đoạn điển hình như
2.1. Giai đoạn ủ bệnh ho gà
Giai đoạn ủ bệnh ho gà thường dao động trong khoảng từ 6 – 20 ngày, chủ yếu ủ bệnh vào khoảng 9 – 10 ngày. Lúc này, người bệnh có thể chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
2.2. Giai đoạn khởi phát bệnh ho gà
Giai đoạn bệnh ho gà khởi phát có thể kéo dài khoảng 10 – 14 ngày (từ 1-2 tuần). Lúc này, các triệu chứng bắt đầu khởi phát ở mức độ nhẹ, không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác như chảy nước mắt, sốt nhẹ, ho, sổ mũi, bơ phờ, chán ăn, khàn tiếng.
Người bệnh cần chú ý rằng cơn ho có thể trở nên nặng hơn ở giai đoạn khởi phát bệnh ho gà.
2.3. Giai đoạn toàn phát bệnh ho gà
Các triệu chứng của bệnh ho gà sẽ biểu hiện rõ ràng và nghiêm trọng hơn ở giai đoạn toàn phát, cụ thể như:
- Ho: Ho thành cơn, ho rũ rượi trung bình khoảng 15-20 tiếng ho mỗi cơn, tiếng ho càng lúc càng yếu sau đó giảm dần. Đặc biệt ở trẻ ngày càng yếu dần do các cơn ho liên tiếp, có thể đối mặt với nguy cơ ngưng thở do thiếu oxy, da tím tái, đỏ mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nổi tĩnh mạch cổ.

Người bệnh ho gà có thể thở tiếng rít giống tiếng gà
- Thở rít: Người bệnh ho gà có thể thở tiếng rít giống tiếng gà, thường xuất hiện sau các cơn ho hay xen kẽ mỗi tiếng ho. Riêng đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi bị ho gà, ít khi nghe thấy tiếng rít trong cơn ho.
- Đờm: Sau cơn ho, người bệnh thường khạc đờm trắng, màu trong, dính và chứa vi khuẩn gây bệnh.
- Nôn mửa: Người bệnh có thể bị nôn mửa trong giai đoạn toàn phát do nôn mửa là một trong các biểu hiện đặc trưng của bệnh ho gà.
2.4. Giai đoạn lui bệnh ho gà
Khi người bệnh ho gà được điều trị và chăm sóc y tế đúng cách, các triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện và dần dần biến mất hoàn toàn thường bắt đầu từ tuần thứ 4 kể từ giai đoạn khởi phát bệnh.
Tuy cơn ho có thể giảm dần nhưng có thể phải mất thêm một khoảng thời gian khá lâu sau đó để người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn, hết hẳn cơn ho. Ở một số trường hợp, cơn ho có thể tái phát và trở nặng thành bệnh viêm phổi.
3. Cách điều trị bệnh ho gà
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh ho gà cũng như thể trạng sức khỏe, độ tuổi của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tối ưu và phù hợp. Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc điều trị hoặc cho trẻ nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực.
Điều quan trọng nhất là khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng bất thường hay nghi ngờ mắc bệnh ho gà nên nhanh chóng thăm khám cùng bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần chú ý các biểu hiện bất thường ở trẻ để phòng ngừa các yếu tố gây bệnh nguy hiểm. Lưu ý rằng khi điều trị bệnh ho gà, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc, đảm bảo các yếu tố cách ly để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Đồng thời, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc, chỉ sử dụng theo chỉ định kê toa của bác sĩ điều trị.
4. Phòng ngừa bệnh ho gà
Một số phương pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh ho gà được các chuyên gia y tế khuyến cáo thực hiện như:
4.1. Tiêm phòng vaccine phòng bệnh ho gà
Để phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất thì việc tiêm phòng vaccine đầy đủ, tuân thủ đúng lịch tiêm là cách tốt nhất. Ngoài ra, khi mắc bệnh ho gà sau khi tiêm vaccine, bệnh có thể xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ dàng kiểm soát bệnh tốt hơn.

Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà là phương pháp phòng bệnh hiệu quả
4.2. Giữ vệ sinh sạch sẽ
Để phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả, nhà ở, phòng học, nhà trẻ, khu vui chơi, khu vực sống, … cần được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, và có đủ ánh sáng mặt trời.
Các vật dụng trong nhà, đồ chơi của trẻ và đồ dùng cá nhân cần được vệ sinh bằng dung dịch vô khuẩn hàng ngày. Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn đúng cách, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
Khi trẻ ho, hắt hơi cần lấy giấy che miệng và mũi, sau đó bỏ giấy vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ. Đồng thời, trẻ cần hạn chế đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng.
4.3. Thăm khám định kỳ
Thăm khám sức khỏe định kỳ là cách giúp phát hiện và tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh (nếu có). Từ đó, thực hiện biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Bệnh ho gà nếu được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể đáp ứng tốt với thuốc và có thể hồi phục hoàn toàn. Nhưng nếu bệnh ho gà phát hiện chậm trễ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, gây suy hô hấp với nguy cơ tử vong cao.
Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường hay nghi ngờ mắc bệnh ho gà, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám cùng bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.