Việc khám phụ khoa định kỳ vẫn chưa được phụ nữ quan tâm vì tâm lý chủ quan và ngại ngùng. Nhiều người chỉ đi khám khi có các triệu chứng cụ thể, dẫn đến vô sinh, ung thư, thậm chí là tử vong. Do đó phụ nữ nên xem khám phụ khoa là một bài kiểm tra sức khỏe cần được thực hiện định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm.
1. Khám phụ khoa là gì?
Khám phụ khoa gồm các bài kiểm tra nhằm đánh giá hệ thống cơ quan sinh dục và sinh sản của người phụ nữ, bao gồm:
- Cơ quan sinh dục trong: buồng trứng, ống dẫn trứng (vòi trứng), tử cung (dạ con), cổ tử cung.
- Cơ quan sinh dục ngoài: âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn.
Bác sĩ phụ khoa có thể chỉ định thực hiện một số bài kiểm tra như: sử dụng mỏ vịt để soi âm đạo và cổ tử cung, soi tươi huyết trắng, phết tế bào cổ tử cung (pap smear), siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu và nước tiểu…
Phụ nữ cần khám sức khỏe phụ khoa định kỳ
2. Tại sao phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ
Bộ phận sinh dục nữ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm và bệnh lây truyền qua đường tình dục hơn so với nam giới. Nhưng do tâm lý chủ quan và ngại ngùng mà nhiều phụ nữ không chú trọng việc khám sức khỏe phụ khoa, chỉ đi khám khi có triệu chứng bất thường.
Thậm chí, một số người có triệu chứng nhưng ngại đi khám. Chỉ khi không thể chịu nỗi mới đi khám phụ khoa. Khi đó tình trạng bệnh đã tiến triển phức tạp, khó điều trị, điều trị tốn kém hoặc đã quá trễ, quá khả năng điều trị.
Phụ nữ cần khám phụ khoa để:
a) Đánh giá sức khỏe phụ khoa
Khám phụ khoa cần được xem là một phần của khám sức khỏe định kỳ để dự phòng, kiểm tra các dấu hiệu bệnh lý sớm. Ví dụ như: u nang buồng trứng, bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục, u xơ tử cung, tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm…
Ngoài ra, từ việc khám phụ khoa có thể phát hiện sớm các dị dạng hoặc rối loạn chức năng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con (tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn…).
b) Chẩn đoán một số tình trạng bệnh
Khám phụ khoa là cần thiết để tìm ra nguyên nhân khi gặp các triệu chứng phụ khoa như:
- Đau, ngứa, rát âm đạo
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi hoặc màu sắc lạ)
- Các vấn đề liên quan đến niệu đạo
- Đau hoặc chảy máu nhiều trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Đau vùng chậu
Việc khám sức khỏe phụ khoa định kỳ giúp phụ nữ:
- Hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe tình dục và sinh sản của bản thân. Từ đó có kế hoạch phòng bệnh và tiêm phòng.
- Giảm tỷ lệ mắc các bệnh nguy hiểm nhờ phát hiện sớm các dấu hiệu, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và tiết kiệm chi phí chữa bệnh.
- Được tư vấn các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao sức khỏe tình dục, chăm sóc vùng kín để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa.
- Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh lý phụ khoa đến cuộc sống và hạnh phúc gia đình.
3. Bao lâu nên khám phụ khoa một lần?
Khi có các dấu hiệu phụ khoa bất thường cần khám phụ khoa
Phụ nữ từ 18 tuổi trở lên hoặc đã quan hệ tình dục nên khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên khi có các dấu hiệu bất thường thì cần khám phụ khoa ngay lập tức.
Nữ thanh thiếu niên nên khám phụ khoa sớm để được bác sĩ tư vấn các vấn đề sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, cũng như tiêm phòng vaccine ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Ngoài ra trước khi kết hôn hoặc trước khi mang thai, bên cạnh các bài kiểm tra tổng thể khác thì phụ nữ cũng cần khám phụ khoa để kiểm tra sức khỏe cơ quan sinh sản.
Thời điểm tốt nhất để đi khám phụ khoa định kỳ là sạch kinh 3-5 ngày. Không nên đi khám phụ khoa trong kỳ kinh nguyệt vì thời điểm này không làm được các xét nghiệm như soi tươi huyết trắng hay xét nghiệm Pap smear.
Trước khi đi khám phụ khoa, bạn nên ngừng sử dụng các loại thuốc đặt âm đạo trong 72 giờ, tránh thụt rửa âm đạo hoặc quan hệ tình dục trong 48 tiếng trước đó.