Bệnh áp xe gan xảy ra khi gan bị tổn thương nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm khuẩn. Khi đó, gan sẽ xuất hiện những ổ mủ to đơn độc hoặc rải rác những ổ mủ nhỏ.

1. Nguyên nhân gây áp xe gan?
Bệnh áp xe gan thường gây ra bởi ký sinh trùng hoặc vi khuẩn. Ở các nước phát triển, vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh chiếm lỷ tệ hàng đầu nhưng trên toàn thế giới, ký sinh trùng là nguyên nhân thường gặp gây bệnh áp xe gan.
Bệnh áp xe gan không thể lây qua việc tiếp xúc thông thường giữa người với người cũng như không thể lây truyền qua đường không khí. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh áp xe gan có thể lây nhiễm.
Áp xe gan gây ra bởi amip chủ yếu sẽ lây nhiễm qua đường phân - miệng. Con đường lây truyền này thường bắt nguồn từ việc người bệnh sinh hoạt không sạch sẽ và ăn uống không hợp vệ sinh.

Áp xe gan xảy ra khi gan bị tổn thương do nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm khuẩn
Vì thế, người bệnh trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh cần vệ sinh tay sạch sẽ, đúng cách, tránh lây nhiễm tác nhân gây bệnh.
Khi vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây bệnh áp xe gan theo đường máu (thông qua tĩnh mạch và động mạch) và theo đường bạch huyết.
Bên cạnh đó, vi sinh vật di chuyển ngược theo đường mật cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh áp xe gan. Chúng gây tình trạng nhiễm khuẩn khu trú (hay còn gọi là áp xe gan đường mật).
2. Triệu chứng thường gặp của bệnh áp xe gan
Người mắc bệnh áp xe gan có thể không xuất hiện ngay các triệu chứng. Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện sẽ là các biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng. Dưới đây là một số triệu chứng nguy hiểm của bệnh áp xe gan gây ra ở người như:
- Nôn, buồn nôn, chán ăn, sụt cân.
- Vã nhiều mồ hôi, sốt cao đi kèm rét run như sốt 39°C – 40°C trong giai đoạn cấp tính của bệnh, sau đó nhiệt độ giảm xuống và kéo dài.
- Đau tức hoặc căng tức nặng ở vùng hạ sườn phải khi triệu chứng gan to. Đặc biệt, khi ổ áp xe to cấp tính sẽ khiến cơn đau lan đến vùng thượng vị hay thậm chí là toàn bộ vùng bụng.
- Vàng da bất thường.
- Khi ấn kẽ sườn 11- 12, người bệnh có thể cảm thấy đau
3. Biến chứng nguy hiểm của bệnh áp xe gan
Áp xe gan là bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, người bệnh áp xe gan có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng vỡ ổ áp xe: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất và thường gặp. Khi bị vỡ ổ áp xe gan bên trái, chúng có thể tràn vào màng tim. Lúc này, người bệnh có thể có các triệu chứng như đột ngột khó thở, da tím tái, vã mồ hôi, không nghe rõ nhịp tim. Nếu không kịp thời cấp cứu, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng do bị ép tim cấp.

Áp xe gan có nguy hiểm không?
- Nhiễm trùng ổ bụng: Khi ổ áp xe gan bị vỡ vào ổ bụng có thể gây viêm phúc mạc (nhiễm trùng toàn bộ ổ bụng). Khi đó, người bệnh có thể biểu hiện các triệu chứng như sốt cao, bụng cứng và đau bụng dữ dội. Người bệnh lúc này cần được phẫu thuật cấp cứu hoặc thực hiện dẫn lưu ổ bụng kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ người bệnh bị choáng do nhiễm khuẩn và tử vong.
- Vỡ ống tiêu hóa: Người bệnh có thể đi đại tiện ra máu, nôn ra mủ khi ổ áp xe gan vỡ vào ống tiêu hóa như dạ dày, đại tràng. Ngoài ra, khi ổ áp xe vỡ vào cơ thành bụng sẽ hình thành các lỗ rò chảy mủ hoặc gây áp xe cơ thành bụng nguy hiểm.
4. Điều trị áp xe gan như thế nào?
4.1. Điều trị nội khoa
Khi ổ áp xe đã hóa lỏng, bác sĩ thường tiến hành phẫu thuật chọc hút ổ áp xe cho người bệnh giúp hỗ trợ điều trị nội khoa. Sau khi chọc hút, bệnh phẩm sẽ được nuôi cấy.
Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc điều trị dựa trên kết quả kháng sinh đồ. Đây là phương pháp điều trị áp xe gan hiệu quả cao, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí.
4.2. Dẫn lưu rút mủ qua da
Phần lớn các trường hợp áp xe gan lớn do amip hay áp xe gan do vi khuẩn gây ra không thể điều trị cho người bệnh hoàn toàn hồi phục nếu chỉ sử dụng kháng sinh đơn thuần.
Vì thế, người bệnh cần được dẫn lưu rút mủ qua da dựa trên kết quả chụp CT hoặc siêu âm. Đặc biệt, phương pháp dẫn lưu rút mủ qua da cũng có thể được chỉ định cho các trường hợp như:
- Áp xe vỡ.
- Ổ áp xe nhiều vách hoặc có kích thước quá lớn trên 5cm.
- Người bệnh bị viêm phúc mạc.
- Người bệnh mắc bệnh lý trong ổ bụng cần được phẫu thuật như viêm ruột thừa.
Tuy nhiên, đối với người bệnh có nhiều ổ áp xe đi kèm bệnh có rối loạn đông máu sẽ khó áp dụng điều trị bằng phương pháp dẫn lưu rút mủ qua da.
5. Lưu ý phòng ngừa bệnh áp xe gan
Để giảm nguy cơ mắc bệnh áp xe gan, mỗi người cần đặc biệt lưu ý:
- Không dùng rau sống chưa rửa kỹ như rau, giá đỗ khi ăn kèm phở, bún chả, bún bò …
- uống nước ở suối, sông, hồ, ao, chum vại, bể chứa nước, giếng và vòi… không đun sôi
- Không ăn thịt chưa nấu chín như nem chạo, nem chua, gỏi, tiết canh …
- Không dùng kem, nước đá cây, nước giải khát không đạt tiêu chuẩn vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc.

Rửa tay với xà phòng để ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh áp xe gan
- Không sử dụng phân tươi để bón ở các vùng nông nghiệp trồng rau màu.
- Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cần rửa tay đúng cách với xà phòng, ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn.
- Khi phát hiện trên cơ thể có ổ nhiễm khuẩn cần thăm khám cùng bác sĩ để được điều trị dứt điểm, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn lây lan qua đường máu).
- Khi có các triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh áp xe gan cần thăm khám cùng bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.