Bệnh tiểu đường loại 2 (tuýp 2) là một dạng rối loạn chuyển hóa glucose. Khi lượng đường trong máu cao và không được kiểm soát có thể dẫn đến rối loạn hệ thống tuần hoàn, thần kinh và miễn dịch.
Bệnh tiểu đường loại 2 cần được phát hiện và kiểm soát sớm
Bệnh tiểu đường loại 2 (tuýp 2) chiếm 90 - 95% tổng số các trường hợp bị tiểu đường. Nó thường xảy ra do hai vấn đề là tuyến tụy không sản xuất đủ insulin và các tế bào đáp ứng kém với insulin.
Bệnh tiểu đường loại 2 xuất hiện chủ yếu ở người trên 40 tuổi, nhưng với sự gia tăng của tình trạng béo phì, tiểu đường cũng có thể xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Bệnh tiểu đường gây ra số ca tử vong cao thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch và ung thư. Nó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” do bệnh diễn tiến trong âm thầm và ít gây chú ý. Việc phát hiện bệnh tiểu đường sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa các biến chứng do tiểu đường gây ra.
Dưới đây là 08 dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường loại 2 mà bạn cần hết sức lưu ý:
1. Đi tiểu nhiều
Đi tiểu thường xuyên còn được gọi là đa niệu, là một dấu hiệu thường thấy ở bệnh tiểu đường loại 2 (tuýp 2). Thông thường, cơ thể có thể tái hấp thu glucose khi chúng đi qua thận. Nhưng khi lượng đường trong máu quá cao, thận phải cố gắng loại bỏ đường dư thừa trong máu bằng cách lọc nó ra khỏi máu, dẫn đến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường.
Người bình thường thường đi tiểu từ bốn đến mười lần trong một ngày, nhưng nếu bạn bị tiểu đường bạn có thể đi tiểu nhiều hơn, kể cả ban đêm. Khi đi tiểu nhiều bạn có thể rất nhanh bị khát. Uống nước nhiều hơn cũng làm bạn đi tiểu nhiều hơn.
2. Thường xuyên thấy khát nước
Thường xuyên khát nước là một dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường loại 2
Thường xuyên khát nước là một triệu chứng ban đầu phổ biến khác của bệnh tiểu đường loại 2 (tuýp 2), xảy ra ngay cả khi bạn không vận động. Ngoài việc khát do đi tiểu thường xuyên thì nó có liên quan đến lượng đường trong máu cao nên gây ra cảm giác khát.
Đi tiểu đường xuyên là cần thiết để loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu, nhưng nó khiến cơ thể cần một lượng nước lớn để bù vào. Tình trạng này kéo dài càng lâu có thể gây ra mất nước nghiêm trọng.
3. Tăng cảm giác đói và mệt mỏi
Hệ tiêu hóa phân hủy thức ăn thành đường glucose đơn giản để tế bào sử dụng làm năng lượng. Tế bào cần insulin để hấp thụ glucose. Nếu cơ thể không sản xuất đủ, hoàn toàn ngừng sản xuất insulin hoặc xuất hiện tình trạng tế bào đề kháng insulin, tế bào sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động. Điều này dẫn đến cơ thể mệt mỏi và luôn phát tín hiệu đói.
Việc không có đủ năng lượng khiến bạn thường cảm thấy đói cồn cào, thèm ăn và ăn nhiều hơn. Bạn có thể bị tăng cân, nhưng đôi khi, bạn cũng có thể bị giảm cân không rõ lý do.
4. Tê hoặc ngứa ran bàn tay hoặc bàn chân
Tê hoặc ngứa ran bàn chân có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu cao ảnh hưởng đến lưu thông máu và gây tổn thương dây thần kinh. Những người bị bệnh tiểu đường loại 2 thường cảm thấy tê hoặc ngứa ran như kiến bò ở bàn tay, bàn chân, ngón tay hoặc ngón chân.
Tình trạng này thường không xuất hiện ngay từ đầu mà phát triển từ từ đến nhiều năm sau mới có dấu hiệu. Tuy nhiên, với nhiều người thì đây có thể là dấu hiệu đầu tiên để phát hiện bệnh tiểu đường do các dấu hiệu khác dễ bị bỏ qua. Tình trạng này có thể xấu đi theo thời gian trở thành đau, sưng, là dấu hiệu tổn thương thần kinh nặng.
5. Vết thương chậm lành
Lượng đường tồn tại lâu trong máu có thể làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu, làm suy giảm lưu thông máu, do đó cũng hạn chế các chất dinh dưỡng và oxy cần thiết di chuyển đến vết thương.
Lượng đường trong máu cao cũng có thể khiến hệ thống miễn dịch suy yếu. Do đó, ngay cả những vết cắt hoặc vết thương nhỏ cũng có thể mất vài tuần hoặc vài tháng mới lành hẳn.
6. Nhìn mờ
Nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát sớm, có thể xuất hiện tình trạng nhìn mờ. Đó là kết quả của việc lượng đường trong máu tăng cao đột ngột gây ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ trong mắt, gây hạn chế tầm nhìn.
Tình trạng này xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, có thể biến mất khi lượng đường trong máu bình thường trở lại. Tuy nhiên, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ ngay, bởi nó có thể là dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường - một biến chứng của bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị, các tổn thương mạch máu này có thể trở nên nghiêm trọng và cuối cùng có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
7. Các mảng da sẫm màu (gai đen)
Các mảng da sạm màu là dấu hiệu kháng insulin
Các mảng da sẫm màu, đặc biệt là ở nếp gấp vùng nách, cổ và bẹn là một dấu hiệu của kháng insulin, hay còn gọi là gai đen (acanthosis nigricans).
Đây là một tình trạng xuất hiện sớm ở những người bệnh tiểu đường loại 2 (tuýp 2). Các mảng da này có thể dày lên, mềm và mịn như nhung.
8. Nhiễm trùng nấm
Những người bị tiểu đường có thể bị nhiễm trùng nướu răng, nhiễm trùng da, nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng âm đạo.
Lượng đường dư thừa trong máu và nước tiểu tạo điều kiện cho nấm men phát triển, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng nấm thường xảy ra ở các vùng da ẩm ướt, chẳng hạn như miệng, vùng sinh dục và nách. Biểu hiện thường gặp là ngứa, một số người có thể bị đỏ, sưng và đau.
Bệnh tiểu đường loại 2 (tuýp 2) không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết. Quan trọng nhất là bạn cần phát hiện ra bệnh tiểu đường sớm.
Nếu bạn có các dấu hiệu của bệnh tiểu đường, hãy đến bệnh viện để làm kiểm tra càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng do tiểu đường.
Tư vấn chuyên môn: Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Vinh Quang