TPHCM đã triển khai thực hiện điều trị COVID-19 tại nhà cho những trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng ở thể nhẹ. Tuy nhiên, hầu hết tất cả mọi người khi biết mình đã nhiễm virus đều có tâm lý hoảng sợ, lo lắng. Chính tâm lý hoang mang, mất định hướng của người bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và sức đề kháng của cơ thể. Vì vậy, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 đã triển khai chương trình tư vấn sức khỏe miễn phí cho F0 đang cách ly tại nhà.
1. Bệnh nhân F0 cách ly điều trị tại nhà liên hệ tư vấn sức khỏe khi nào?
Trong chương trình tư vấn sức khỏe miễn phí cho bệnh nhân F0 đang cách ly điều trị tại nhà, các Bác sĩ của Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 sẽ giúp bệnh nhân tư vấn y tế từ xa và cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi liên quan đến điều trị COVID-19, giúp bệnh nhân yên tâm hơn trong thời gian cách ly tại nhà:
- Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà (đánh giá các chỉ số oxy trong máu, nhiệt độ, huyết áp…, hướng dẫn chế độ ăn uống và lời khuyên cho các hoạt động tại nhà).
- Tư vấn sử dụng thuốc điều trị.
- Tư vấn cho bệnh nhân khi có một trong các triệu chứng bất thường như: sốt trên 380C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở.
- Tư vấn các vấn đề sức khỏe khác.
2. Đối tượng F0 nào có thể cách ly điều trị tại nhà?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những bệnh nhân F0 hội tụ đủ các yếu tố sau có thể chăm sóc tại nhà:
- Người không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút), dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì.
- Người có thể tự chăm sóc sinh hoạt của bản thân: ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh.
- Có các thiết bị y tế: khẩu trang, máy đo SpO2, nhiệt kế, thuốc (sốt, ho, vitamin).
- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.
Ngoài ra, F0 cách ly điều trị tại nhà phải đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất sau:
- F0 cần ở phòng riêng, có cửa sổ thông thoáng, phòng có khu vực vệ sinh riêng (có xà phòng rửa tay).
- Có điện thoại riêng, lưu lại số điện thoại của cơ sở y tế và tổ phản ứng nhanh quận, huyện để liên hệ khi cần thiết.
- Đặt bàn hoặc ghế trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn, thuốc hoặc nhu yếu phẩm khác.
- Phòng có thùng rác riêng có nắp, sử dụng túi rác đi kèm.
- Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%).
3. Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân F0 điều trị cách ly tại nhà
- Thực hiện theo quy trình theo dõi tiếp xúc và thông báo cho những người mà mình đã tiếp xúc (đồng nghiệp, người sống chung nhà…) để ngăn chặn sự lây lan của virus.
- Tuân theo chế độ cách ly nghiêm ngặt, không đi ra khỏi phòng hay ra khỏi nhà.
- Tránh xa người khác và cả vật nuôi trong nhà.
- Tuân thủ điều trị tại nhà, sử dụng thuốc theo khuyến cáo của Bác sĩ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khẩn cấp nào, hãy liên hệ nhân viên y tế hoặc Tổ phản ứng nhanh.
- Đo nhiệt độ, huyết áp và oxy trong máu (SpO2) tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi có dấu hiệu sốt, khó thở.
- Súc họng 2 lần sáng tối bằng nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%).
- Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần và khi có triệu chứng bất thường.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, không nên bỏ bữa; nên ăn đồ chế biến đơn giản, dễ tiêu; bổ sung trái cây và vitamin C; uống nhiều nước.
- Tập thể dục trong phòng; tập hít thở sâu, đều 15 phút mỗi ngày.
- Đeo khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh, nên thay 2 lần/ngày hoặc khi cần thiết. Cần rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn trước và sau khi loại bỏ khẩu trang.
- Người chăm sóc và cung cấp nhu yếu phẩm cho bệnh nhân F0 cũng phải đeo khẩu trang mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân F0.
- Ho và hắt hơi vào khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay ngay sau đó. Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng dung dịch rửa tay có cồn ít nhất 60%.
- Sử dụng đĩa, ly, cốc và dụng cụ ăn uống riêng biệt. Trước khi sử dụng nên ngâm nước nóng 5 phút. Sau khi sử dụng hãy rửa sạch với xà phòng và tráng lại bằng nước nóng.
- Nên giặt quần áo, khăn trải giường, khăn mặt, khăn tắm… bằng chất tẩy rửa ở nhiệt độ nóng nhất có thể. Nên mang găng tay khi giặt đồ. Sau khi giặt đồ xong nên rửa tay sạch. Phơi đồ ngoài nắng.
- Đảm bảo thông khí không gian trong nhà bằng cách mở cửa sổ hoặc bật máy lọc không khí.
- Không cho những người khách khác vào nhà.
- Tất cả những người sống chung nhà nên rửa tay sạch sẽ và thường xuyên.
- Hàng ngày, hãy sử dụng dụng cụ lau dọn cùng dung dịch khử khuẩn, xà phòng hoặc chất tẩy thông thường để vệ sinh nhà vệ sinh và các bề mặt tiếp xúc nhiều (điện thoại, tay nắm cửa, mặt bàn, bồn rửa mặt, vòi xịt…).
Bệnh nhân F0 hoặc người chăm sóc có nhu cầu kết nối, trao đổi với Bác sĩ, liên hệ hotline 19006923 để được hướng dẫn trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.
Lưu ý: Khi bệnh nhân có các triệu chứng chuyển nặng: khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo Sp02 tại nhà), cần gọi tổng đài 115 hoặc gọi số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và chuyển đến bệnh viện kịp thời.