Sự xuất hiện của hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và hội chứng suy đa tạng ở bệnh nhân Covid-19, làm cho tình trạng bệnh chuyển biến nguy kịch và tử vong nhanh chóng. “Cơn bão cytokine” là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
1. Con bão Cytokine là gì?
“Cơn bão cytokine” là tình trạng sản xuất cytokine quá mức do phản ứng miễn dịch của cơ thể không được kiểm soát trước các tác nhân kích thích. Các tác nhân ở đây có thể là tình trạng nhiễm trùng, bệnh ác tính, rối loạn thấp khớp…
Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, tế bào lympho T tiết ra cytokine để kích hoạt hệ thống miễn dịch, đưa tế bào miễn dịch tiếp cận virus và tiêu diệt nó. Sau 7-10 ngày, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh. Điều đó là bình thường.
Nhưng ở một số bệnh nhân, quá trình giải phóng cytokine đột ngột gia tăng, cytokine tràn ngập trong máu, hệ thống miễn dịch bắt đầu gây tổn thương cho tế bào. Hậu quả là chúng ra gây ra các phản ứng viêm nghiêm trọng, tình trạng đông máu, giảm bạch cầu lympho và rối loạn chức năng các cơ quan.
Phản ứng viêm quá mức xảy ra ở phổi khiến phế nang bị ngập dịch viêm, cùng với tình trạng đông máu làm tắc nghẽn lượng máu đến phế nang, dẫn đến lượng oxy trong máu ngày càng thấp. Bên cạnh đó, “cơn bão cytokine” còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như tim, thận, gan…
2. Con bão Cytokine thường gặp ở đối tượng nào?
“Cơn bão cytokine” có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp nặng và tử vong. Hội chứng “cơn bão cytokine” ở người trẻ thường nghiêm trọng và dữ dội hơn những người lớn tuổi.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hội chứng này. Nhưng những bệnh nhân Covid-19 nặng, thông qua một số xét nghiệm để phát hiện “cơn bão cytokine” sớm, có thể được điều trị để tránh tử vong. Một số biện pháp để kiểm soát nồng độ cytokine như điều hòa miễn dịch, đối kháng cytokine, giảm thâm nhiễm các tế bào viêm ở phổi… Giảm cytokine sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19, hạn chế tổn thương nội tạng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.